Tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ còn bị xem nhẹ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Vận động chính sách trong bối cảnh mới – Cơ hội và thách thức cho DN” là chủ đề của cuộc hội thảo do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/8 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Phương, đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Tân Phong cho biết, kể từ khi thành lập tới nay công ty chưa từng nhận được câu hỏi, phiếu lấy ý kiến từ bất kỳ cơ quan nhà nước nào mà phải tự tìm hiểu để tuân thủ cho đúng, kênh thông tin thông thường là qua báo chí, hiệp hội DN.

Còn theo phản ánh của ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN quận Hải An (Hải Phòng), hiệp hội rất ít khi được hỏi ý kiến, tham vấn, nếu có được hỏi thì chính quyền cũng chỉ ghi nhận rồi để đấy, có cuộc họp không kết luận, ý kiến hiệp hội bị... bỏ ngoài tai. “Quận Hải An có nhiều DN quy mô lớn, nếu DN được tham gia vào quá trình xây dựng các văn bản quy định pháp luật thì sẽ kích thích được tăng trưởng kinh tế địa phương” – ông Lưỡng nói.

Ghi nhận từ một cuộc khảo sát do Ban Pháp chế - VCCI cho thấy, hiện có khoảng 70% trong số hơn 1.000 văn bản pháp luật T.Ư hằng năm có liên quan đến DN, 66% DN thừa nhận rủi ro chính sách là một trong ba rủi ro lớn nhất mà họ gặp phải, tuy nhiên tỷ lệ DN chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo pháp luật lên đến 78%.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI còn cho biết thêm một thực tế là trong quá trình tham vấn DN, thường cơ quan soạn thảo hỏi ý kiến của DN lớn, ít khi hỏi DN nhỏ (tỷ lệ DN lớn được hỏi ý kiến gấp 3 lần DN nhỏ), trong khi lợi ích của DN lớn khác DN nhỏ. Việc cơ quan soạn thảo chỉ lấy ý kiến DN lớn thì sẽ không thể hiểu rõ DN nhỏ mong muốn, khuyến nghị gì.

Chính vì chưa chú trọng khâu tham vấn, đặc biệt xem nhẹ tiếng nói của DN nhỏ nên nhiều trường hợp nghị định, thông tư ban hành ra gây “sốc” cho DN. Ông Tuấn lấy ví dụ, Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in đã khiến 3.000 DN ngành in ở TP. Hồ Chí Minh bàng hoàng vì trước đã cơ quan quản lý đã bãi bỏ nhiều giấy phép về in tạo thuận lợi cho DN nhưng đột nhiên năm 2014 Bộ TT&TT ban hành Nghị định 60 với nhiều lý giải chưa thuyết phục. Theo Nghị định mới các DN trong TP. Hồ Chí Minh muốn nhập khẩu máy cắt, máy hàn... đều phải ra Hà Nội xin giấy phép, gây phiền toái rất nhiều cho họ.

Cũng theo ông Tuấn các DN, đặc biệt là DN nhỏ cần tích cực tham các hiệp hội để tiếng nói của mình có trọng lượng hơn. Mặt khác, cơ chế tham vấn hiện nay cần thay đổi theo hướng cung cấp thông tin đầy đủ cho DN để họ tham gia vào quy trình tham vấn, tôn trọng và ghi nhận đầy đủ ý kiện của mọi thành phần DN. 

Theo cơ chế tham vấn hiện nay, các DN nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều bất lợi hơn so với các DN lớn xuất phát từ sự phân biệt đối xử của cơ quan Nhà nước. Ngược lại, cơ quan Nhà nước đôi khi gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc lấy và tổng hợp ý kiến từ DN. Điều này khiến thông tin không được chuyển tải hoặc bị phản ánh một cách không khách quan, chính xác.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần