70 năm giải phóng Thủ đô

“Tiếng trống chèo” - Tour diễn nhỏ mang ý tưởng lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đêm diễn đầu tiên của tour "Tiếng trống chèo 2015" ở đình Thọ Tháp (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) đúng là một chiếu chèo sân đình thực thụ với sân khấu, đạo cụ, hóa trang của lối diễn trò cổ.

 Ý tưởng lớn mà những người làm chương trình ấp ủ trong tour diễn 3 đêm này có lẽ không còn là nỗi hoài nghi trong công chúng như trước khi các trích đoạn bước lên sân khấu.

 Buổi diễn đầu tiên với những trích đoạn vở "Quan Âm Thị Kính" (tối 5/9) đã cho khán giả Thủ đô trải nghiệm những hương vị "thứ thiệt" của chèo sân đình trong đúng không gian nguyên bản của nó. Tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng đàn nhị, những câu hát véo von kết hợp cùng động tác uyển chuyển của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam đã "tặng" người tham dự rất nhiều cảm xúc khó tả.
Một cảnh trong trích đoạn “Quan Âm Thị Kính” - đêm diễn đầu tiên của tour “Tiếng trống chèo 2015”.
Một cảnh trong trích đoạn “Quan Âm Thị Kính” - đêm diễn đầu tiên của tour “Tiếng trống chèo 2015”.
Ấy là cảm giác "Nghe tiếng trống chèo bế bụng đi xem" của người già, là không khí "Ra đình xem hội" mà rất nhiều người trẻ tuổi không cảm nhận được trong tưởng tượng. Đặc biệt, các bạn trẻ tham gia phần "Thử sắm vai" đã có những trải nghiệm rất mới, thú vị và độc đáo khi hóa thân vào những nhân vật chèo.

Có lẽ những người thực hiện chương trình (nhóm "Tôi xê dịch" phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam) đã làm được điều mà họ ấp ủ trong tour diễn năm nay: Bảo vệ nguyên vẹn mô hình sân khấu, đạo cụ, hóa trang của lối diễn trò cổ, giúp người xem trải nghiệm chân thật nhất về những nét đặc sắc của loại hình chèo sân đình.

Như các thành viên của nhóm "Tôi xê dịch" chia sẻ, "Tiếng trống chèo 2015” là sự tiếp nối của "Tiếng vọng ngàn năm" diễn ra thành công năm 2013, với chuỗi những vở kinh điển của làng chèo Việt. Song không đơn giản chỉ trải chiếu cho chèo nổi đàn trống, mà người ta còn lưu những hiểu biết "cội nguồn" của chèo cổ lại trong tâm trí người xem.

Ấy là phần "Giới thiệu làng chèo" được mở ra trong không gian mỗi đêm diễn bằng bộ tranh minh họa của họa sĩ JeetzDung (Tiến Dũng) và những hoạt động tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ để mang đến cho khán giả những hiểu biết cơ bản về 5 tuyến nhân vật điển hình trong chèo: Đào - Kép - Lão - Mụ và Hề. Bên cạnh đó, người tham dự cũng có thể chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh Chèo sân đình - được họa sĩ nghiên cứu và phóng tác: Những cảnh tượng xưa nay hiếm thấy như cảnh gánh chèo đi hội, không khí sân đình náo nhiệt, ông cầm chầu và những chiếc thẻ tre… mang đến một góc nhìn thú vị về không gian văn hóa của chèo sân đình.

Đặc biệt là phần "Thử sắm vai" giúp người xem hiểu được nghệ thuật hát múa và câu chuyện của từng tuyến nhân vật, từ đó cảm thụ được sâu sắc về ý nghĩa của vở chèo cũng như những nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao của chèo. Ví như trong đêm diễn đầu tiên (vở Quan Âm Thị Kính) lấy nhân vật Đào là Thị Mầu và nhân vật Lão là Mãng Ông để nói chuyện về nhân vật cho khán giả hiểu, thì trong đêm diễn thứ 3 (vở Kim Nham - tối 19/9) sẽ lấy Kép và Đào của nhân vật Xúy Vân để "giải mã" cho khán giả về những tích chèo, về âm nhạc trong chèo cổ.

Xem chiếu chèo của "Tiếng trống chèo" trải ra trước sân đình rồi chợt hiểu vì sao NSƯT Thanh Ngoan rất hồ hởi khi "bắt tay" với nhóm các bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống của "Tôi xê dịch". Càng hiểu vì sao vị Giám đốc Nhà hát Chèo tự tin khẳng định: Các bạn trẻ TP từ trước tới giờ không biết cấy, cày, làm ruộng như thế nào, qua các đêm diễn sẽ hiểu được những sinh hoạt đời thường đó được nghệ thuật chèo đưa lên sân khấu theo phương thức ước lệ và cách điệu. Đây là cách tiếp cận gần hơn với công chúng để bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống.

 "Tiếng trống chèo" sẽ còn tiếp tục đi 2/3 chặng đường nữa với các trích đoạn của vở "Lưu Bình - Dương Lễ" vào tối 12/9 tại đình Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) và vở "Kim Nham" vào tối 19/9 tại đình Xuân Tảo (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Thật đáng quý khi tour diễn nhỏ nhưng mang ý tưởng lớn này được tổ chức hoàn toàn bằng nguồn quỹ cộng đồng từ người tham gia. Các khoản ủng hộ của người tham dự để trang trải các chi phí tổ chức chương trình, được công khai và không mang tính lợi nhuận.