“Tiếng vọng hồn sông núi” - Tiếng vọng một hồn thơ

Nguyễn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tác giả Trương Hòa Bình hàng ngày gánh trách nhiệm với công việc bề bộn hàng ngày của một vị lãnh đạo trong chính phủ - Phó Thủ tướng thường trực; nhưng trong thế giới tinh thần ông vẫn giữ nét phong phú đầy sắc màu và trong sáng của mình. Tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” tựa như một tấm gương soi phản chiếu tâm hồn thanh cao đó.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - tác giả tập thơ ''Tiếng vọng hồn sông núi''

Dấu ấn văn thơ của một nhà chính trị

Sau ngày quen biết anh Trương Hòa Bình, trong các câu chuyện qua điện thoại, ngoài các đề tài thế sự, chúng tôi vẫn hay lạc đề sang chuyện văn chương. Cứ độ dăm ba hôm, thường là đêm muộn, anh lại gửi đến tôi khi thì một bài thơ, khi thì những cảm xúc ngắn, nhưng cũng có lúc là cả một bản trường ca dài miên man. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc, vì trong đời, thường những người tri âm, tri kỷ mới gửi thơ cho nhau đọc như là một sự sẻ chia, một lời tâm sự. Dù là bạn vong niên, dù anh ở một cương vị công tác rất cao trong Chính phủ, nhưng trong lĩnh vực thi ca, anh muốn coi tôi như một bạn thơ, một người mà “tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu”, nên sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi vẫn đọc thơ anh không bỏ lấy một dòng.

Và tôi ngạc nhiên, như là một sự khám phá, bởi lẽ trước đó, tôi chỉ nhìn anh như một cán bộ chính trị, chỉ lo công việc sự vụ khuôn mẫu, rõ ràng, mà không nhìn thấy đằng sau đó là một trái tim đa cảm, dạt dào cảm hứng. Anh không chỉ àm thơ về những đề tài lớn lao, về dân tộc, về lịch sử, về những huyền thoại anh hùng, về những địa danh và miền đất, mà anh còn làm thơ về tình yêu lứa đôi, về những cảm xúc mộng mơ. Tôi cũng không biết anh làm thơ vào lúc nào, trong khi lịch làm việc kín mít, hết họp hành, chỉ đạo công việc, đi công tác thường xuyên. Về sau, trong các câu chuyện, khi anh hé lộ bầu tâm sự, tôi mới hay rằng, anh viết trên những chuyến bay, trước khi đi ngủ, hay tranh thủ khoảng thời gian giữa hai công việc, khi cảm hứng ùa đến bất chợt.

Chúng tôi, khi là những sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp (trường Đai học KHXH&NV),  sẽ không có gì lạ khi ra trường sẽ làm thơ, viết văn và nghiên cứu văn chương. Thế nhưng với anh Trương Hòa Bình, một người được đào tạo về khoa học tự nhiên thuần túy, sau khi tốt nghiệp lại chuyển sang luật học và gắn bó cả cuộc đời mình vào hoạt động chính trị, lại say mê sáng tác. Với hàng trăm bài anh viết trong nhiều năm, một khối lượng đồ sộ, thậm chí có lúc một nhà thơ chuyên nghiệp cũng không dễ gì sánh nổi. Và không biết anh đọc tự lúc nào mà những kiến thức về văn hóa của anh phong phú và rõ ràng đến thế. Những huyền thoại Trương Chi, Hồ Ba Bể, núi Hồng Lĩnh, nàng Tô Thị, Thác Bản Giốc… được anh viết như là những chuyện thơ đầy hấp dẫn. Anh không kể lại một cách tường thuật đơn điệu, mà gửi vào trong đó tâm hồn anh, sự cảm nhận tinh tế, làm cho các câu chuyện mang dấu ấn rất riêng, rất đặc sắc.

Bìa tập thơ ''Tiếng vọng hồn sông núi''

Chữ tình trong thơ

Bạn đọc nào muốn biết chặng đường công tác của anh, hãy tìm đến thơ anh. Đặt chân đến nơi nào từ miền Bắc tới địa đầu Tổ quốc Cà Mau, anh đều làm thơ về miền đất đó. Xếp lại các bài thơ, giống như một cuốn cẩm nang du lịch, bởi sự khám phá sâu sắc của anh về địa lý, về tính cách, về phong tục, ẩm thực vùng miền. Thậm chí nhiều bài thơ không nêu tên địa danh, nhưng chỉ cần đọc lên là người đọc nhận ra ngay sắc màu, hương vị, và hình dung ra trước mắt mình vẻ đẹp riêng biệt của nó. Những bài thơ về Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế…, anh gửi vào đó cảm giác ngây ngất trước sự kỳ vĩ, diệu kỳ của nước non.

Nhưng dường như anh dành tình yêu sâu đậm nhất trong thơ mình cho làng quê Nam Bộ. Hàng loạt bài thơ dài Láng Sen – Miền thượng, Vàm Cỏ - Phước Đông – miền hạ Long An, Đầm Thị Tường, Phương Nam có một bài ca… anh viết về những cánh đồng thẳng cách cò bay, những dòng sông chở phù sa cuồn cuộn, những thôn ấp yên bình dưới những bóng dừa, đẹp như những bức tranh thủy mạc. Là người từng trải, gắn bó với quê hương, yêu quê hương đằm thắm, anh hiểu tường tận phong tục tập quán, tính cách người Nam Bộ, nên dường như mỗi dòng thơ của anh đều thấm đẫm hương vị phương Nam.

Thơ anh tìm ra nét chung về tính nghĩa hiệp, đại lượng và bất khuất qua hình ảnh những người dân Nam Bộ trong lịch sử cũng như trong hai cuộc kháng chiến, nổ bật qua hình ảnh anh hùng Trương Định, Nguyễn Trung Trực… Anh đã dựng nên những tượng đài bằng ngôn ngữ về những người anh hùng giữ nước, suy tôn và vinh danh những chiến công của họ bằng sự ngưỡng mộ và trân trọng của thế hệ hậu sinh.

Anh đi nhiều, đọc nhiều, say mê tìm hiểu, và bất cứ nơi đâu anh cũng đều gửi gắm tâm tình của mình bằng những vần thơ thay cho nhật ký. Viết về đất Phù Tang, về khung trời Thụy Sỹ, về đồng hoa Hà Lan… anh vừa giống như là một du khách, vừa giống một người thân trở về quê hương bản quán, bởi sự thân thương và gần gũi lạ lùng. Điều đó chỉ có thể lý giải bằng tình thương và lòng nhân ái ở nơi anh.

Trên cơ sở những bài thơ có cốt truyện hấp dẫn, ngôn ngữ giàu chất trữ tình mang đậm sắc màu Nam Bộ, tôi đã dành thời gian chuyển thể thành những bài hát cải lương, đã công diễn khá nhiều nơi và được công chúng được công chúng mến mộ. Sau này, tôi cũng được nghe những bài thơ của anh được phổ  nhạc rất thành công như các bài “Mẹ Thứ”, “ Hưng Yên ngày tôi đến” Huệ đỏ”, “Vàm cỏ, Phước Đông miền hạ”… tôi càng thấm hơn chất trữ tình sâu lắng của thơ anh.

Và ý định muốn đề xuất với anh tập hợp hàng trăm bài thơ anh sáng tác thành một tập thơ dày dặn nảy sinh trong ý nghĩ của những độc giả đầu tiên như chúng tôi. Anh chần chừ vì anh cho rằng, anh làm thơ là để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, để cùng bè bạn tâm tình, chứ chưa bao giờ nghĩ rằng để in ra. Cùng với tôi, có những nhà thơ, những nhà nghiên cứu và bè bạn tâm giao thuyết phục, anh nhất trí cho in tập “Tiếng vọng hồn sông núi” tuyển chọn những bài thơ anh viết về đất nước, quê hương, về cuộc hành trình xuyên Việt và xuyên biên giới.

Và giờ đây, tập sách “Tiếng vọng hồn sông núi” của Trương Hòa Bình đã ra mắt bạn đọc, anh xuất hiện với tư cách là một tác giả trước công chúng bạn đọc một cách gần gũi, cởi mở, chân tình. Con người thơ và con người đời của anh hiển hiện qua những trang viết, như hòa làm một, như một tấm gương soi. Cầm tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” trên tay, tôi xúc động, ngỡ ngàng với cảm giác Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần