Tiếng Xuân bên hiên nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ cây khế góc vườn ghé đầu vào hiên nhà ra hoa trái vụ - một tín hiệu xuân tuyệt diệu làm bừng cả hiên xuân nhà.

Cây đào, cây mai cũng được thể bung nở những bông hoa đầu, những giò phong lan đang cộng hưởng bản nhạc hương sắc thơm lừng… Cha tôi đã tạo nên một thế giới đẹp đẽ, để sống, bảo lưu và gìn giữ những nét đẹp làng quê.

Nhưng góc sân ấy, hiên nhà ấy lại càng trở nên có hồn hơn là sự động cựa, kết hợp của các loài chim. Con chào mào lanh lảnh hót diệu vợi, thi thoảng đứng lại gắp nắng trong chiều ấm, mang đến trong tôi một nỗi xốn xang. Cha tôi ngồi đọc sách bên hiên, nắng ghé vào trang sách thơm mùi mực mới. Thi thoảng ông ngẫm ngợi nhìn trời mây và chiêm nghiệm những giá trị của cuộc đời: “Vậy là một năm nữa lại đến. Thời gian vụt trôi như cánh chim. Rồi con người còn lại gì, ngoài sự thanh thản và sự hiến dâng”. Tôi hiểu, điều ông định nói là sự gắn kết tình cảm con người, sự hiến dâng của một người sinh ra trong trời đất. Những triết lý sâu sa của một nhà giáo về hưu, cả đời thanh sạch và đến cuối đời vẫn cố gắng mang kiến thức của mình dạy cho những học trò mà ông trân quý, dạy đám trẻ con trong làng những điều hay lẽ phải khi cha mẹ chúng gửi gắm. Với tôi, cha không chỉ là người đưa đò cần mẫn, mà là một người muốn nhân lên những điều nhân nghĩa ở đời. Và thế, nơi hiên nhà này, bảo lưu cho tôi biết bao ký ức, bao miền mơ tưởng hoang vu và rất đỗi thánh thiện. Để lúc nào tôi cũng yêu tổ ấm, yêu con người và trân trọng những vẻ đẹp giản dị.

 
Tiếng Xuân bên hiên nhà - Ảnh 1

 
Ngày xưa, cũng nơi hiên nhà này, cha dạy anh em tôi những chữ đầu tiên, những điều nhân đức, để rồi tiến bước vào đời, có ý chí, có khát vọng. Nơi hiên nhà gia đình tụ họp, ăn bữa cơm đầm ấm. Nơi hiên nhà chúng tôi ngồi hóng mát, mẹ bắc võng à ơi ru con và sau này anh tôi nâng cho tôi tập đi. Ngày xưa, cha kê một chiếc xích đu gần đó. Lũ trẻ chúng tôi cứ ngồi cút kít ê a hát và nhìn mẹ gói bánh, rồi cũng tíu tít cắt lá, làm cùng. Nhưng thú vị nhất là ngồi ngắm các bà, các chị hàng xóm sang giếng nhà tôi múc nước, rửa lá dong, đãi gạo. Không khí ấy giờ phần nào đã nhạt đi, nhưng không mất hẳn, bởi làng tôi vẫn còn những người yêu sự hoài niệm. Trong phiên chợ cuối năm, lũ trẻ chúng tôi được tham dự, tung tăng khắp chốn, ngắm thỏa thích rồi mua những thứ mình cần. Cuối ngày, từng đứa lại ngồi bên hiên so quà, nào là giầy, là dép, là áo mới. Đứa nào đứa nấy tươi như hoa.

Và kiểu gì nơi hiên nhà những ngày này, mẹ tôi cũng tất bật chuẩn bị đồ gói bánh chưng, đồ nấu cỗ. Rồi có khi là khiêng con lợn đã được làm thịt sạch sẽ ra giữa sân. Ba bốn nhà ăn đụng í ới gọi nhau đến nhận phần. Vui nhất là bữa cơm tất niên, mời anh em họ hàng, làng xóm cùng thưởng thức. Mâm trẻ con được đặt trên chiếc chiếu trải ngay ngoài hiên. Vừa thưởng thức cỗ, vừa ngóng hương xuân, vừa nghe lá cựa mình. Đêm của ngày ăn tất niên cũng là đêm canh nồi bánh chưng chín…

Tôi yêu những thời khắc ấy, khoảng thời gian đầm ấm mà gia đình dành cho nhau, khoảng hiên nhà mà cha tôi đã khéo léo tạo nên. Nó làm cho kho ký ức của tôi trở nên giàu có và tôi dệt tất cả thành những sắc mây của con đường sống và lập nghiệp. Mỗi mùa lại lâng lâng nhớ và hạnh phúc, ngay cả bây giờ, khi tôi đã có con, thì hiên nhà xưa vẫn là chốn nương náu tâm hồn, để về, để yêu và để trọn vẹn được là mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần