Tiếp bài “Ba vành đai thiếu một gạch nối”: Dự án 10 năm vẫn chưa thông

Bài, ảnh: Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy hoạch, sẽ có một tuyến đường từ Tôn Thất Tùng đến Nguyễn Xiển, kết nối nhằm phát huy tối đa hiệu quả của ba Vành đai 2, 2,5 và 3. Thế nhưng 10 năm qua, dự án xây dựng tuyến đường này vẫn đang nằm trên giấy do sự thay đổi về cơ chế chính sách, trong khi người dân phải mòn mỏi đợi chờ.

Vướng do hình thức đầu tư

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, theo quy hoạch, Thanh Xuân có một số tuyến giao thông chính như: Vành đai 2,5, đường Tôn Thất Tùng kéo dài, Vương Thừa Vũ kéo dài… Trong đó, tuyến đường từ Tôn Thất Tùng kéo dài đến Nguyễn Xiển chưa được triển khai. “Theo tôi được biết, đây là dự án BT đang trong quá trình chuẩn bị triển khai nhưng phải tạm dừng để rà soát theo các Nghị định mới của Chính phủ” - ông Võ Đăng Dũng nói.

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng thông tin, để kết nối ba Vành đai: 2, 2,5 và 3, TP đã có chủ trương cho đầu tư, xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), đoạn từ Tôn Thất Tùng - Nguyễn Xiển. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép TP Hà Nội triển khai theo hình thức hợp đồng BT và ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét quyết định việc chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án tại văn bản số 472/Ttg-KTN ngày 29/3/2011.
 Đường Lê Trọng Tấn khi thông đến Nguyễn Xiển sẽ kết nối ba Vành đai.
UBND TP Hà Nội cũng đã có Quyết định số 1737/QĐ-UBND ngày 14/4/2011 chấp thuận thông qua hồ sơ đề xuất dự án và chỉ định Liên danh Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt là nhà đầu tư, thực hiện dự theo hình thức Hợp đồng BT.
Nhà đầu tư đã thành lập DN dự án là Công ty TNHH Hạ tầng LOD Bắc Việt để triển khai. Ông Trịnh Minh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hạ tầng LOD Bắc Việt cho biết, do phải dừng triển khai để rà soát theo Nghị định của Chính phủ nhiều lần nên 10 năm qua, dự án vẫn chưa thể thực hiện các bước thi công.

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó trên 960 tỷ đồng dành cho công tác GPMB. Dự án có tổng chiều dài 2,85km, mặt cắt ngang 30m, 4 làn xe chạy tính cả hai chiều. Dự án đi qua địa bàn các phường: Kim Giang, Khương Đình, Khương Trung, Khương Mai (Thanh Xuân) và phường Đại Kim (Hoàng Mai), tổng số trường hợp thuộc diện phải giải phóng mặt bằng vào khoảng 1.000 hộ dân, tổ chức.

Cần phương án dứt điểm

Ông Trịnh Minh Sơn thông tin thêm, hiện đã cắm mốc chỉ giới đường đỏ dự án, tiến độ thi công dự kiến trong 3 năm. Các sở, ngành liên quan đã phối hợp cùng DN rà soát lại hồ sơ kỹ thuật của dự án và báo cáo UBND TP Hà Nội. Năm 2018, UBND TP đã phê duyệt điều chỉnh đề xuất dự án tại quyết định số2790/QĐ-UBND và Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2791/QĐ-UBND.
“Thời gian tới, DN sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan, chuẩn bị những hồ sơ tài liệu cần thiết để thương thảo, ký kết hợp đồng BT. Dự kiến triển khai ký kết hợp đồng BT trong năm nay, đây cũng là vướng mắc, khó khăn lớn nhất đối với dự án” - ông Trịnh Minh Sơn chia sẻ.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, quận được thành lập vào năm 1997 với dân số lúc ấy là 11,7 vạn người. Thời gian qua, tốc độ đô thị hoá diễn ra rất nhanh, hiện dân số toàn quận đã đạt trên 30 vạn người. Hệ thống hạ tầng đô thị của quận đã được TP quan tâm đầu tư, tuy nhiên chưa theo kịp tốc độ phát triển thực tế.
Ông Võ Đăng Dũng nhận định, tuyến đường kết nối ba vành đai này rất quan trọng, nối thông từ đường Tôn Thất Tùng đến đường Nguyễn Xiển, sẽ là một trục chính song song góp phần giải toả ách tắc cho các tuyến: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Giải Phóng. Ông Võ Đăng Dũng cho biết: “Quận đã đề xuất UBND TP rà soát, kiến nghị Chính phủ cho triển khai dự án sớm. Nếu không thuộc diện được triển khai theo hình thức BT thì rất mong TP cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần