Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp bài hệ lụy từ chợ tạm Thổ Quan: Vẫn chờ giải pháp căn cơ

Bài, ảnh: Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 7/3 có bài “Hệ lụy từ chợ tạm Thổ Quan” phản ánh việc chợ tạm bị biến tướng thành nơi trông giữ phương tiện gây cản trở mất ATGT, mỹ quan đô thị. Ngay sau khi báo phản ánh, các lực lượng chức năng quận Đống Đa đã tổ chức ra quân xử lý các trường hợp vi phạm.

Nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý
Cụ thể, tại Văn bản số 357/UBND – QLĐT ngày 8/3 do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Hoàng Giáp ký, nêu rõ, ngay sau khi nhận được phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về các vi phạm trật tự đô thị tại khu vực chợ tạm Thổ Quan, UBND quận Đống Đa đã giao UBND phường Thổ Quan phối hợp với Thanh tra GTVT, Đội CSTT, Công an phường tổ chức kiểm tra xử lý dứt điểm các vi phạm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt 5 triệu đồng đối với một số trường hợp lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện sai quy định. Đồng thời, lập biên bản xử phạt 4 ô tô dừng đỗ sai quy định với số tiền 9,7 triệu đồng, 4 xe máy đỗ sai quy định với số tiền 600.000 đồng.
 Những hình ảnh vi phạm trật tự đô thị vẫn diễn ra trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn phường Thổ Quan.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại một số tuyến đường trên địa bàn phường Thổ Quan như ngõ 360 phố Xã Đàn, ngõ Thổ Quan… tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ phương tiện sai quy định vẫn diễn ra khá phổ biến gây bức xúc trong dư luận.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh (ngõ Thổ Quan) cho biết, vào giờ tan tầm, các hộ kinh doanh ở mặt đường thản nhiên bày hàng hóa tràn xuống lòng đường. Người bán đã vậy, người mua cũng hồn nhiên dừng đỗ ngay dưới lòng đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển của các phương tiện.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND phường Thổ Quan Nguyễn Hoàng Giang cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng trên là không hề đơn giản và càng không thể thực hiện được trong “một sớm, một chiều”. Bởi, những vi phạm trên đã tồn tại từ hàng chục năm, trong khi đó, số lượng chợ đạt chuẩn trên địa bàn còn rất ít. Do đó, nếu dẹp hẳn, sinh hoạt của người dân chắc chắn sẽ bị đảo lộn.
Cũng theo ông Giang, để hạn chế tình trạng trên, UBND quận đã có chủ trương, cấp phép để HTX Đầu tư Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ quản lý khai thác chợ Đống Đa triển khai xây dựng chợ, kết hợp dịch vụ thương mại tại vị trí chợ Thổ Quan hiện tại. Song, dù chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã nhiều lần đối thoại với các tiểu thương để tìm ra tiếng nói chung, đảm bảo quyền lợi của các tiểu thương khi chợ mới được hoàn thành nhưng đến thời điểm này, một số tiểu thương vẫn không đồng tình khiến dự án bị đình trệ.
Liên quan đến đến vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, cải tạo chợ truyền thống, xây dựng trung tâm thương mại… là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền vận động để người dân hiểu, ủng hộ dự án. “Nếu đã tuyên truyền, vận động nhưng các cá nhân có liên quan vẫn cố tình không hiểu, các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý nghiêm để đảm bảo tiến độ dự án cũng như lợi ích chung của người dân, xã hội” - một chuyên gia nhấn mạnh.