Tiếp cận thị trường vốn Việt Nam: Nhà đầu tư ngoại kêu khó

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo "Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước... tổ chức ngày 8/5, nhiều nhà đầu tư ngoại cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với các DN trên sàn vẫn thấp, đổ tiền vào Việt Nam rất khó, không có cổ phiếu để đầu tư, dẫn đến sự bất cân đối về giá.

Nới room nước ngoài vẫn khó
Theo các đại biểu tham gia hội thảo, việc nới tỷ lệ sở hữu của NĐTNN đối với các DN trên sàn vẫn khó khăn, liên quan đến việc xác định ngành nghề kinh doanh, điều kiện thủ tục thực hiện, tính pháp lý…
Đến nay, trên Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE), tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại sàn HoSE ở mức 24,6%, trong khi trong nhóm VN30 là 27,35%. Cụ thể, có 317 công ty có tỷ lệ sở hữu NĐTNN có room nước ngoài là 49%, 25% DN mở room cho NĐTNN lên 100%. “Như vậy, tỷ lệ 51% trên 376 công ty là tỷ lệ tương đối thấp, chỉ có khoảng 13,6% công ty thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room)”- bà Nguyễn Thị Việt Hà - thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị HOSE thông tin.
 Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo thống kê, trong năm 2018, NĐTNN chủ yếu mua vào theo phương thức thỏa thuận, tuy nhiên khối này lại chủ yếu bán ra theo phương thức khớp lệnh. Điển hình, NĐTNN mua vào cổ phần theo phương thức thỏa thuận với giá trị gần 5,7 tỷ USD, trong khi bán ra gần 3,2 tỷ USD. Đối với giao dịch khớp lệnh, khối này bán ra 6,27 tỷ USD và mua vào 5,5 tỷ USD. Về room sở hữu theo ngành, ngành tiêu dùng thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn nhất, sau đó là điện tử, y tế; thấp nhất là ngành tiện ích.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, NĐTNN đổ tiền vào Việt Nam rất khó. Thống kê trên HNX và HOSE, tổng vốn hóa của thị trường đạt khoảng 145 tỷ USD cuối tháng 3/2019, tổng vốn hóa cho NĐTNN theo luật khoảng 72 tỷ USD, tương đương 49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau khi trừ đi free-float (những cổ phiếu sẵn sàng cho giao dịch), giá trị NĐTNN thực sự được mua tối đa khoảng 53 tỷ USD, hiện đang sở hữu 35 tỷ USD.
Room còn lại của NĐTNN khoảng 18 tỷ USD. Con số này nhìn sơ qua theo Phó Tổng Giám đốc đầu tư quỹ Dragon Capital Lê Anh Tuấn là không nhỏ. Tuy nhiên, trong số 18 tỷ USD đó, khoảng 40% là nhóm cổ phiếu Vingroup (7,2 tỷ USD), PV Power (0,5 tỷ USD), NVL (0,6 tỷ USD), Vinamilk (1 tỷ USD). Như vậy, 751 cổ phiếu còn lại chiếm 50% tương đương 8,5 tỷ USD. Trung bình là 11 triệu USD/công ty.
“Điều này có nghĩa NĐTNN đổ tiền vào Việt Nam rất khó, không có cổ phiếu để đầu tư, dẫn đến sự bất cân đối về giá. Top 20 công ty trên TTCK có P/E khoảng 20 lần, trong khi đó các công ty còn lại được định giá khoảng 9,5 lần. Sự bất cân đối này dẫn đến công ty đầu ngành, công ty tốt, công ty hết phần nước ngoài được mua được định giá cực kỳ thấp”- đại diện Dragon Capital đánh giá.
Tiếp tục mở thêm room?
Kết quả nghiên cứu của HOSE và Stoxplux cho thấy, DN dè dặt nới room do 3 nguyên nhân chính liên quan đến pháp lý, kinh tế và kỹ thuật. Về mặt pháp lý, công ty niêm yết muốn nới room phải rà soát ngành nghề có điều kiện trong nước và quốc tế. Về kinh tế, khi công ty nới room lên trên 51% được xem là DN có vốn đầu tư nước ngoài; trong khi, một số ngành nghề nhất định sẽ bị hạn chế như y tế, công nghệ thông tin. Cuối cùng, một số công ty muốn duy trì tỷ lệ sở hữu trong nước.
Phó Tổng Giám đốc đầu tư quỹ Dragon Capital Lê Anh Tuấn đưa ra những khuyến nghị tăng cường khả năng tiếp cận NĐTNN ở thị trường vốn Việt Nam. Đại diện Dragon Capital thông tin, các nước trên thế giới hầu hết đã mở cửa như quy định NĐTNN sở hữu tối đa 100% ở Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan... Đối với Nhật Bản và Malaysia là những giải pháp tình huống, còn Thái Lan, thị trường đã mang tính toàn diện.
Với HoSE, hiện Sở này đang nghiên cứu 2 sản phẩm mới để tháo gỡ những hạn chế của dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam là cổ phiếu không có quyền biểu quyết (FOL) và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Các sản phẩm này đã được Malaysia, Thái Lan và Nhật Bản áp dụng, được kỳ vọng sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn cho khối ngoại, tăng tính thanh khoản và nâng hạng thị trường.