Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp loạt bài về xử lý rác thải tại nông thôn Hải Phòng: Tìm giải pháp khả thi

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, báo Kinh tế & Đô thị đã đăng tải 2 bài viết về thực trạng rác thải trên địa bàn Hải Phòng.

Đã đến lúc cần nhìn nhận vấn đề rác thải một cách khách quan cũng như sự quan tâm kịp thời từ UBND TP, các sở ban ngành để từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc xử lý rác thải mà không có sự phân biệt rác nông thôn hay thành thị.
Theo các chuyên gia, việc cần làm chính là Sở Xây dựng phải chủ trì và quy hoạch các bãi rác trên địa bàn để tạo sự đồng bộ và có cái nhìn tổng thể cho Hải Phòng đến năm 2020. Bên cạnh đó, Sở TN&MT; Sở KH&CN tham mưu cho UBND TP giải pháp trong thời gian chờ đợi một quy hoạch đồng nhất để có thể xử lý kịp thời, đưa rác về các bãi rác tạm tránh ùn ứ gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

Thực hiện xã hội hóa

Bên cạnh việc tham mưu, đề xuất về việc quản lý, xử lý rác thải một cách tổng thể, cần tham mưu và có định hướng sớm về công nghệ xử lý rác thải mang tính phù hợp để thực hiện trên địa bàn TP, làm căn cứ cho các địa phương có kế hoạch triển khai thực hiện.

Gần đây nhất, tại huyện Thủy Nguyên đã xảy ra tình trạng người dân lập barie để ngăn không cho tập kết rác tại bãi rác tạm ở xã Minh Tân. Mỗi ngày bãi rác này phải nhận từ 70 - 100 tấn rác, trong đó có cả rác thải công nghiệp. 6 năm qua, bãi rác này đã quá sức chịu đựng khi phải “cõng” tới 100.000 tấn. Huyện An Lão trên thực tế còn một số xã hiện chưa có quy hoạch cụ thể nên rác thải vẫn vô tư đổ ngập đường, gây ô nhiễm môi trường nặng nề như ruồi muỗi bu kín các túi rác, gây ách tắc giao thông như bãi rác Hoàng Xá thuộc thị trấn An Lão là một điển hình.

Rác thải bị người dân vứt bừa bãi tại đường mương An Kim Hải, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng.  Ảnh: Vĩnh Quân

Điều này cho thấy thực tế vấn đề quy hoạch về các bãi rác tạm tại các huyện đã trở thành điểm nóng gây bức xúc cho người dân. Trong khi đó, kinh phí thực hiện còn nhiều hạn chế. Cho đến hiện tại chưa có một tổ chức nào đánh giá về công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ thu phí VSMT. Cũng như chưa có bất kỳ cơ chế, chính sách nào thu hút các DN hay các đơn vị với mục tiêu xã hội hóa thu gom vận chuyển rác thải ở nông thôn.

Trong khi đó, số tiền phí thu được cơ bản trả đủ chi phí cho công thu gom, vận chuyển từ nơi thu gom đến bãi rác tạm của xã; đối với các xã do đơn vị DN dịch vụ thực hiện vận chuyển từ ga trung chuyển đến nơi xử lý tập trung, kinh phí vận chuyển do huyện hỗ trợ từ ngân sách, mức 1,2 - 1,3 triệu đồng/chuyến. Vậy làm thế nào để thu hút các DN đầu tư vào việc xử lý rác thải hay kêu gọi công tác xã hội hóa là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Mục tiêu trước mắt của Hải Phòng là thực hiện công tác xã hội hóa nhiệm vụ thu gom rác thải trên địa bàn các xã đưa đến điểm tập kết rác theo quy định. Kinh phí thực hiện công tác thu gom từ nguồn thu theo giá VSMT nông thôn. Công tác vận chuyển rác thải từ các bãi tập kết cấp xã đến khu xử lý rác thải tập trung do DN được giao quản lý các khu xử lý tập trung thực hiện (kinh phí thực hiện vận chuyển rác thải từ nguồn hỗ trợ của ngân sách). Chủ trì với các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng và trình duyệt giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động

Có một công việc không thể thiếu và phải duy trì thường xuyên đó là công tác tuyên truyền, vận động tại các cụm dân cư của các xã với nhiều hình thức: Tờ rơi, tờ gấp, pano, phát thanh... để truyền tải thông tin về VSMT nông thôn, nhằm thay đổi nhận thức của Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức tự giác thực hiện phân loại chất thải rắn đầu nguồn, đổ chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định, nộp phí vệ sinh đầy đủ, tạo điều kiện tối đa cho người thực hiện thu gom. Xây dựng các thôn, xóm điển hình về công tác giữ gìn VSMT gắn với tiêu chí xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Phát động phong trào thi đua giữa các địa phương về giữ gìn VSMT; thực hiện ngày VSMT nông thôn, biểu dương và nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nông thôn.

Tuy nhiên, phương án là vậy nhưng trên thực tế để tháo gỡ nút thắt này cần sự vào cuộc của UBND TP và các cơ quan chức năng có liên quan để giải quyết bài toán về bãi rác tạm, về tầm nhìn quy hoạch để Hải Phòng thực sự xứng đáng là đô thị loại I mà không còn tình trạng ùn ứ rác thải. Rất cần sự chung tay của DN, người dân và chính quyền. Trong đó, giải pháp đồng bộ và nguồn kinh phí là việc làm cần phải được thực hiện sớm. TP Hải Phòng cần quan tâm hơn nữa trong việc bố trí ngân sách cho phù hợp với việc xử lý rác thải hiện nay.