Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tiếp sức cho học sinh miền núi đến trường

Kinhtedothi - Điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng trường học còn hạn chế khiến đường tìm kiếm con chữ của học sinh vùng dân tộc miền núi huyện Ba Vì gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, với sự quan tâm, đầu tư của TP, đường đến trường của các em học sinh nơi đây đang dần được rút ngắn.
Rút ngắn con đường đến trường
Kể từ đầu năm học 2016 - 2017, hàng trăm em học sinh ở thôn Việt Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì đã được đến lớp trong ngôi trường mới khang trang. Thầy Phùng Hải Nam - Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Bài B chia sẻ, tiền thân của trường Tiểu học Yên Bài B hiện nay là trường Tiểu học Việt - Mông. Trước năm 2016, hàng trăm em học sinh phải học tập trong ngôi trường cũ xuống cấp nghiêm trọng, như cách thầy Nam ví von "ngồi trong lớp thấy cả… bầu trời!". Thiếu cơ sở hạ tầng là nguyên nhân khiến không ít học sinh phải lặn lội đi xa nhiều cây số để đến được điểm trường Tiểu học Yên Bài A.
 Giờ tan trường của các em học sinh trường Tiểu học Yên Bài B (khu Việt Yên). Ảnh: Trọng Tùng.
Trường tiểu học Yên Bài B (khu Việt Yên) được xây dựng với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng bằng nguồn vốn Kế hoạch số 166/KH-UBND về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô giai đoạn 2010 - 2015” của UBND TP. Theo Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu, ngôi trường là một trong tổng số 19 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục với tổng mức đầu tư gần 360 tỷ đồng mà TP đã bố trí, thông qua Ban Dân tộc TP Hà Nội triển khai xây dựng trong những năm qua tại 7 xã vùng đồng bào dân tộc của huyện. Đến nay, 19/19 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Trăn trở bài toán vốn
Là huyện miền núi có tới 7/14 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc của toàn TP, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương hết sức khó khăn, mà lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài. Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư của TP thông qua chính sách hỗ trợ cụ thể đã thay đổi căn bản hạ tầng cơ sở, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho các em học sinh nơi đây.
Đánh giá về ý nghĩa của các trường học được TP đầu tư, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, nhờ hạ tầng được nâng cấp, tỷ lệ học sinh vùng dân tộc miền núi của địa phương đến trường đã tăng đáng kể. Số lượng học sinh bỏ học giảm dần qua các năm, hiện chỉ còn khoảng 0,02%. Đặc biệt, kể từ khi trường THPT xã Minh Quang - một công trình được đầu tư từ nguồn vốn chuyển tiếp của Kế hoạch số 166/KH-UBND hoàn thành, đưa vào sử dụng, tỷ lệ học sinh vào cấp 3 cũng ngày một nhiều hơn…
Với sự quan tâm của TP, cho đến nay huyện Ba Vì đã không còn thiếu trường học. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại các điểm trường, nhất là tại 7 xã vùng đồng bào dân tộc còn rất hạn chế. Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho huyện Ba Vì nói riêng, vùng dân tộc miền núi của Thủ đô nói chung, TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, huyện Ba Vì được phân bổ vốn triển khai mới 6 dự án giáo dục. Tuy nhiên đến nay, bài toán vốn còn khá nan giải.
Ngoài nguồn vốn cho các dự án mới chưa được bố trí, ông Đặng Tiến Hữu cũng thông tin thêm: Thực hiện Kế hoạch số 166/KH-UBND, toàn huyện Ba Vì có 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng do nhiều vấn đề phát sinh trong đầu tư nên hiện còn nợ xây dựng cơ bản gần 28,3 tỷ đồng. Vì vậy, kiến nghị UBND TP xem xét, có phương thức hỗ trợ phù hợp. Đây sẽ là trợ lực cần thiết cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho con em vùng dân tộc miền núi huyện Ba Vì.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp đang cần tuyển dụng gấp nhiều người lao động

Các doanh nghiệp đang cần tuyển dụng gấp nhiều người lao động

14 Jul, 04:40 PM

Kinhtedothi – Phiên giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến kết nối 6 tỉnh, TP phía Bắc thu hút nhiều DN tham gia tuyển dụng trên 15.600 chỉ tiêu, với các phân khúc thu nhập, lên tới 15 triệu đồng/tháng trở lên, là cơ hội tốt cho nhiều người lao động tham gia ứng tuyển.

Giải quyết thành công 100% hồ sơ đúng hạn, trước hạn

Giải quyết thành công 100% hồ sơ đúng hạn, trước hạn

14 Jul, 03:37 PM

Kinhtedothi - Trong một tuần làm việc (từ ngày 8 - 14/7/2025), Trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC) phường Dĩ An (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận 2.559 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn, trước hạn đạt 100%.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ