Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm
Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng
Kinhtedothi - Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được dư luận đồng tình ủng hộ. Chính sách này kỳ vọng tiếp tục là nguồn tài chính hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và ngành nông nghiệp tiến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại.
Hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân
Tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN. Trước đó, chính sách miễn thuế SDĐNN đã được Nhà nước duy trì trong suốt 20 năm qua và sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Ở lần trình này, Chính phủ đề nghị kéo dài thực hiện chính sách này tới năm 2030, tức thêm 5 năm. Chính phủ cho rằng, việc miễn tiếp thuế SDĐNN thêm 5 năm giúp tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Cùng với đó, chính sách này khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.
Thực tế, hiệu quả của chính sách đã được chứng minh trong 20 năm qua. Theo số liệu tổng kết của Bộ Tài chính cho thấy, trong 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2001 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Việc miễn tiếp thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm giúp người nông dân an tâm sản xuất. Ảnh: Hải Linh
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, nguồn thuế SDĐNN được miễn chính là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững. Chính sách này đã góp phần khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Từ đó, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới như quy định hiện hành là cần thiết, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đa số các chuyên gia, người dân. Bà Nguyễn Thị Hằng – một nông dân sống tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết, gia đình bà chủ yếu sống bằng làm ruộng, do đó cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Nếu tiếp tục được miễn thuế SDĐNN, sẽ giúp người dân bớt đi một phần khó khăn, có động lực để bám đất, bám làng.
Chia sẻ về sự cần thiết tiếp tục miễn thuế SDĐNN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, thu nhập của người nông dân Việt Nam hiện nay đại đa số đều rất thấp. Chưa kể thiên tai, dịch bệnh, người dân có thể mất trắng cả vốn lẫn lời. Do đó, để giảm bớt khó khăn cho người dân, tạo động lực để DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển thì cần tiếp tục miễn thuế SDĐNN. Ông Nguyễn Văn Được phân tích, tiền thuế SDĐNN cấu thành nên chi phí trong sản xuất nông, lâm nghiệp… Vì vậy, nếu miễn tiền thuế SDĐNN, có nghĩa là chi phí sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được giảm đi. Từ đó sẽ hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích lũy nguồn tài chính cho khối sản xuất nông, lâm nghiệp. Điểm then chốt trong chính sách này không phải ở quy mô số tiền miễn thuế lớn hay nhỏ, mà nó thể hiện ở số lượng đối tượng được hưởng lợi rất đông, người dân được hưởng lợi một cách trực tiếp, không giống như các chính sách thuế gián thu khác như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập, khẩu...” - ông Nguyễn Văn Được nêu ý kiến.
Thêm nguồn lực tái phục vụ sản xuất
Ở Việt Nam hiện nay, sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại, tuy nhiên vẫn còn manh mún, áp dụng theo tập quán canh tác truyền thống, chưa được ứng dụng công nghệ theo chiều sâu, từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu tiêu thụ. Vì vậy, mức thu nhập của người dân rất thấp, sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, chính sách miễn thuế là một trong những biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ người dân, giúp họ giảm đi gánh nặng về tài chính đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ đó cải thiện thu nhập, có thêm nguồn lực tái phục vụ sản xuất. Đây cũng được xem là giải pháp quan trọng khuyến khích DN đầu tư vào ngành nông nghiệp, hướng tới một nền sản xuất hiện đại, quy mô lớn.
Thực tế trong giai đoạn vừa qua, ngày càng có nhiều DN, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Ngoài việc đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, các DN, tập đoàn kinh tế đã tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Thống kê của Bộ NN&MT cho thấy, cả nước có trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp. Số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng số DN trên cả nước, trong đó có khoảng 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng DN như hiện nay còn khá ít, quy mô của các DN nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng DN hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Với hiệu quả mà chính sách miễn thuế SDĐNN mang lại trong suốt 20 năm qua, việc tiếp tục gia hạn chính sách này là cần thiết. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho rằng, việc miễn thuế SDĐNN một cách đại trà không tạo ra động lực cho việc sử dụng đất hiệu quả, tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế SDĐNN đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế SDĐNN từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất.
Trích dẫn
Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu, do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Mở ra cơ hội giúp Hà Nội hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững
Với các cơ chế, chính sách đặc thù, Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra cơ hội giúp Hà Nội tháo gỡ nhiều vướng mắc về khai thác quỹ đất nông thôn, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Là tiền đề giúp Hà Nội chủ động hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhận thêm nhiệm vụ mới
Kinhtedothi - Theo Quyết định số 2043/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sẽ là Chủ tịch Hội đồng thẩm định xét công nhận làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.
Buông xuôi quản lý đất nông nghiệp, hàng ngàn m2 bị san lấp, xây dựng nhà tại Thanh Trì
Kinhtedothi - Tận dụng thời điểm Hà Nội sắp xếp lại địa giới hành chính, các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Thanh Trì mọc lên như nấm sau mưa. Việc buông lỏng quản lý ở thời điểm này sẽ để lại hậu quả khó lường...