Đó là một số nội dung trong Chương trình Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài (nhiệm kỳ 2024 - 2027) với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức chiều 12/11/2024.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân đã khái quát vai trò, chức năng cánh tay nối dài của Hiệp hội giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên...
Từ thực tế, ông Nguyễn Vân đề xuất các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối giới thiệu các đối tác nước sở tại có nhu cầu hợp tác đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ, tài trợ nguồn vốn đầu tư với các doanh nghiệp ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng;
Phối hợp với VCCI cùng các hội, hiệp hội những chương trình xúc tiến thương mại tại nước sở tại bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu, bán hàng, cung ứng sản phẩm, linh kiện sản xuất trong nước...
Ông Vân cũng mong các cơ quan quan tâm, thực hiện nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính (cấp viza, thị thực nhập cảnh) cho các đoàn đối tác, các doanh nghiệp, doanh nhân đối tác của HANSIBA khi có chương trình sang Việt Nam công tác. Phối hợp thẩm định, liên thông với các cơ quan bộ ngành trong nước như: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, KHĐT và Tổng Cục Hải quan để kịp thời cho các đối tác và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được thông quan, nhập khẩu các máy móc, thiết bị sản xuất chế biến chế tạo về Việt Nam. Kêu gọi các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo tại các nước sở tại cùng hợp tác, tiếp đón và đào tạo đội ngũ nghiên cứu sinh, du học sinh sang học tập, nghiên cứu và lao động có thời hạn. Qua đó tạo nguồn lao động có chất lượng và đội ngũ thanh niên sẽ khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Đặc biệt là các lĩnh vực, nhóm ngành Việt Nam đang ưu tiên, khuyến khích phát triển như bán dẫn, quang điện tử, cơ khí công nghệ cao, hàng không, tàu biển, tàu cao tốc, điện hạt nhân. Để đáp ứng việc các doanh nghiệp trong nước tham gia các đại dự án Nhà nước, Chính phủ đang chủ trương thực hiện.
Trong khi đó, nêu ý kiến cụ thể, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm thẳng thắn, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đến nay vẫn chưa như đúng tiềm năng.
Nhưng muốn tăng trưởng, các doanh nghiệp phải hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, hiểu dung lượng thị trường. Hơn nữa, với các thị trường quốc tế mỗi một văn hóa lại có nhu cầu về sản phẩm dệt may khác nhau.
Theo ông Trương Văn Cẩm, các doanh nghiệp vẫn còn thiếu nhiều thông tin về thị trường và các đối tác quốc tế. Nếu như trước đây việc ký kết hợp đồng thường bằng niềm tin, bằng uy tín giữa các đối tác, nhưng trong bối cảnh đầy biến động các doanh nghiệp phải hiểu và nắm bắt được cơ chế pháp luật của mỗi thị trường.
Do đó, đại diện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin thị trường, thông tin pháp luật tại các quốc gia, đặc biệt về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để xanh hoá tăng tính cạnh tranh.