Tiếp thêm sức mạnh

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này có hiệu lực kể từ 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

Phía DN cũng như người nộp thuế mong muốn, việc giảm thuế, phí lần này sẽ được thực hiện nhanh gọn, đến đúng nơi cần đến, đạt hiệu quả cao để DN được tiếp thêm sức mạnh tiếp tục vững vàng vượt bão Covid-19.
Theo đó, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10 - 50% so với quy định hiện hành như lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán… Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục bổ sung 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục giảm một số khoản phí và lệ phí được người nộp thuế và DN chờ đợi. Dự báo, năm 2022, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nước tiếp tục gặp khó khăn; hoạt động của DN bị đình trệ. Vì vậy, các chính sách giảm thuế, phí hỗ trợ DN, người nộp thuế là hết sức cần thiết, giúp DN có thêm nguồn lực duy trì sản xuất, kinh doanh.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, ước tính trong năm 2021, đã có gần 140.000 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó có 120.021 DN, tổ chức và 19.487 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn: 92.900 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 11/2021, cơ quan thuế đã miễn giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng với tổng số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng. Giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP khoảng 19.700 tỷ đồng. Trong đó, đối với thuế TNDN, tổng số thuế phát sinh năm 2021 dự kiến giảm khoảng 2.200 tỷ đồng. Đối với thuế GTGT, từ 1/11/2021 sẽ thực hiện giảm 30% thuế suất thuế GTGT đối với một số dịch vụ, theo đó, số thuế GTGT phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11 sẽ kê khai và nộp thuế trong tháng 12/2021, dự kiến giảm thu trong tháng 12 là khoảng 1.650 tỷ đồng. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh: Ước tính số thuế được miễn đến hết tháng 12 khoảng 6.698 tỷ đồng, số thuế đã nộp sẽ được trừ trong năm 2022. Cơ quan thuế đã gia hạn thuế TTĐB theo Nghị định số 104/2021/NĐ-CP với tổng số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ thuế, phí được thực hiện thời gian qua đã giúp DN từng bước phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Dù ngân sách Nhà nước sẽ giảm khi thực hiện chính sách giãn, giảm này, tuy nhiên, nguồn thu lại được nuôi dưỡng, giúp các DN đi qua giai đoạn khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và tiếp tục đóng góp tích cực cho ngân sách Nhà nước.