Tiếp tục áp dụng biện pháp giảm lãi suất cho vay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Thông báo số 198/TB-NHNN ngày 9/7, từ cuối trung tuần tháng 7, các tổ chức tín dụng đã kịp thời triển khai và thực hiện quyết liệt các biện pháp để giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Đến nay, tất cả ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đã ban hành văn bản chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và lãi suất trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã xem xét điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa là 15%/năm.

Đối với các khoản vay mới, nhiều tổ chức tín dụng triển khai các chương trình cho vay sản xuất - kinh doanh với lãi suất từ 11-15%/năm và cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 10-13%/năm.

Điển hình như từ giữa tháng 7, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng với lãi suất 11,5%/ năm để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu 2012. Tuy nhiên, có khách hàng cá nhân vay tiền tại Ngân hàng Quân đội (MB) phản ánh chỉ được điều chỉnh mức lãi suất của nợ vay cũ xuống 16% chứ không phải 15% như mong đợi.

Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm. Thời điểm này lãi suất cho vay USD giảm nhẹ so với tuần đầu tháng 7, phổ biến ở mức 5-7%/năm đối với ngắn hạn; 6-8%/năm đối với trung và dài hạn.

Giai đoạn này, lãi suất huy động VND cũng được đánh giá là ổn định. Lãi suất tiền gửi phổ biến không kỳ hạn ở mức 1-2%/năm, dưới 1 tháng là 2%/năm và từ 1 tháng đến dưới 12 tháng 8,8-9%/năm, từ 12 tháng trở lên khoảng 10-12%/năm. Cùng đó, lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5-1%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế.

Đáng chú ý, ngày 23/7, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 4474/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo cụ thể về các chương trình, sản phẩm tín dụng đang triển khai và dự kiến triển khai trong năm 2012 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm 2012. Các báo cáo này phải cung cấp đầy đủ các thông tin về: tên chương trình, sản phẩm; thời hạn triển khai thực hiện chương trình; đối tượng áp dụng; điều kiện tham gia; tổng hạn mức của chương trình; lãi suất và các nội dung khác (nếu có).

Đồng thời, ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 4533/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo tình hình lãi suất bằng đồng Việt Nam để nắm bắt tình hình lãi suất huy động và cho vay bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm phục vụ cho việc điều hành chính sách tiền tệ.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tuần thứ 3 của tháng, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND đạt xấp xỉ 124.619 tỷ đồng, bình quân khoảng 24.924 tỷ đồng/ngày; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 55.869 tỷ đồng, bình quân khoảng 11.174 tỷ đồng/ngày. Các giao dịch tập trung chủ yếu vào kỳ hạn ngắn với doanh số giao dịch đạt khoảng 84.495 tỷ đồng, tương đương 68% tổng doanh số giao dịch bằng VND; doanh số giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng USD quy đổi ra VND đạt xấp xỉ 44.092 tỷ đồng, tương đương 79% tổng doanh số giao dịch bằng USD.

Tại thị trường giao dịch liên ngân hàng, lãi suất giảm ở kỳ hạn 1, 2 và 12 tháng với các mức giảm lần lượt là 0,11%, 0,71% và 0,49%. Các kỳ hạn còn lại lãi suất giao dịch bình quân tăng; trong đó lãi suất bình quân các kỳ hạn 1 tuần, 3 tuần và 3 tháng có mức tăng từ 0,16% đến 0,45%; các kỳ hạn qua đêm, 2 tuần, 6 tháng và 9 tháng, lãi suất bình quân có các mức tăng từ 0,73% (kỳ hạn 2 tuần) đến 1,67% (kỳ hạn qua đêm).

Lãi suất giao dịch bình quân USD cũng giảm nhẹ đối với các kỳ hạn 1 tuần, 3 tuần và 1 tháng; kỳ hạn 12 tháng lãi suất bình quân giảm tương đối với mức giảm 0,75%. Các kỳ hạn còn lại lãi suất bình quân tăng, trong đó kỳ hạn qua đêm và 3 tháng lãi suất bình quân tăng nhẹ; kỳ hạn 2 tuần, 2 tháng và 6 tháng lãi suất bình quân có các mức tăng từ 0,42% (kỳ hạn 2 tuần) đến 1,46% (kỳ hạn 6 tháng).

Thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. Tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục trong xu hướng giảm. Hiện tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại đang phổ biến quanh khoảng 20.830/20.865 đồng/USD.