Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Tài chính tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan chiều 23/9.

Tại đây, nhiều vướng mắc và đề xuất của các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc liên quan đến quy định xuất nhập khẩu, thuế nhà thầu, phổ biến văn bản mới… đã được cơ quan thuế, hải quan giải đáp, tháo gỡ và ghi nhận sửa đổi .

Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 5/2016, Hàn Quốc đã có 5.273 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 49 tỷ USD. Trong khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 8/2016, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam- Hàn Quốc đạt 27,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2015. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Cùng với sự phát triển đầu tư, thương mại giữa 2 nước, thời gian qua, các chính sách thuế, hải quan đang ngày càng tạo thuận lợi cho các DN. Tại Hội nghị lần này, các DN đã phản ánh và kiến nghị sửa đổi nhiều quy định nhằm mục tiêu tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của DN Hàn Quốc tại Việt Nam.
 Doanh nghiệp Hàn Quốc được tạo điều kiện kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Internet.

Đại diện công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đề nghị hướng dẫn lãi suất đối với trường hợp ủy thác cho vay vốn bằng ngoại tệ giữa các DN trong cùng tập đoàn Samsung, làm cơ sở xác dịch liên kết tính thu nhập chịu thuế TNDN. Về đề xuất này, Tổng cục Thuế đang xin ý kiến các bộ, ngành. Bên cạnh đó, nhiều DN đề xuất, trường hợp xuất khẩu gián tiếp, cơ quan hải quan thực hiện xử lý trên giấy tờ trước, kiểm tra sau một cách triệt để mà không cần phải gửi trực tiếp hồ sơ và mẫu vật để thanh tra kiểm tra như hiện nay thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Trả lời kiến nghị này, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, quy định của Luật Hải quan 2014, thời gian trung bình từ khi đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan lô hàng xuất khẩu là 5 giờ 36 phút, giảm 5,5 giờ so với năm 2013 (11 giờ 6 phút). Như vậy, thời gian thông quan đối với các lô hàng “xuất khẩu gián tiếp” mà DN đề cập đã được cải thiện đáng kể.Một vấn đề nữa là khi có những sửa đổi về nội dung trong các Nghị định về thuế, tài chính của Bộ Tài Chính, DN chỉ biết tự tìm hiểu và áp dụng. Theo Tổng cục Hải quan, khi xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan này đều lấy ý kiến của cộng đồng các DN thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan này đề nghị các DN chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin, trường hợp có vướng mắc, DN kịp thời gửi về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng DN Hàn Quốc với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ sau Hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan. Mục tiêu của những thay đổi này nhằm hướng đến đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế. Thời gian tới, các thủ tục thuế, hải quan cũng tiếp tục được cải cách theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu.