Trong phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 13 dự án luật và 2 dự án Pháp lệnh. Đồng thời, nghe đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng; cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Chính phủ trước khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, quý I năm 2012, tình hình kinh tế đất nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, việc làm của nhân dân, người lao động. Ngoài ra, một số vấn đề xã hội vẫn tiếp diễn, gây nhiều bức xúc trong dư luận như tai nạn, ùn tắc giao thông, công tác giáo dục... còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục. Chủ tịch đề nghị UBTVQH lưu ý để có các ý kiến đóng góp phù hợp, hoàn chỉnh báo cáo, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Cho ý kiến về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề xuất phương án: Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000.000 đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, mức tiền phạt tối đa là 2 tỷ đồng chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức vi phạm. Đặc biệt là đối với trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Nhưng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại cho rằng, mức phạt đến 2 tỷ đồng áp dụng đối với tổ chức vi phạm là mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, để đủ sức răn đe đối với các vi phạm về môi trường, tài nguyên, đất đai, ngoài mức phạt tiền trên, dự thảo luật còn quy định việc tổ chức vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra. Đồng thời, không nên quy định tịch thu tang vật mà nên bổ sung quy định khác để vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa có sức răn đe đối tượng vi phạm.