Tiếp tục kiểm tra việc chấp hành giá tại các địa phương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính, trong tháng qua, Sở Tài chính các địa phương đã phối hợp với các sở, ngành tăng cường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Sở Tài chính đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tuân thủ quy định quản lý giá trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính Cần Thơ, Quảng Ninh đã chủ trì đoàn kiểm tra giá bán sữa tại 5 doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo chỉ đạo tại công văn số 2200/BTC-QLG của Bộ Tài chính. tại TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sở Tài chính đã tham gia Đoàn kiểm tra liên nghành của Ban Chỉ đạo 389, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Ngoài ra, Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, Hà Tĩnh, Gia Lai đã phối hợp với liên ngành Công Thương- Cục Thuế- Quản lý thị trường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo Cục Quản lý giá, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chấp hành nghiêm chế độ báo cáo giá thị trường theo quy định và thực hiện chức năng tham mưu về công tác quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về công tác đăng ký giá, kê khai giá, tại An Giang có 120 doanh nghiệp, trong đó có 112 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu, 1 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thóc gạo, 6 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, 1 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng phân bón đã đến đăng ký lại giá do có biến động thay đổi giá. Qua kiểm tra hồ sơ đăng ký giá, kê khai giá tỉnh đã phát hiện 5 hồ sơ đăng ký giá, kê khai giá không phù hợp với các yếu tố đầu vào.

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, có 3 doanh nghiệp đăng ký giá, 2 doanh nghiệp kê khai giá; Cao Bằng có18 lượt đơn vị đăng ký, kê khai giá; Cần Thơ đã tiếp nhận và kiểm tra 47 hồ sơ đăng ký giá các mặt hàng như phân bón, xăng dầu, vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển, sữa (trong đó 24 hồ sơ là sản phẩm sữa); Đồng Nai có 1 đơn vị kê khai giá lần đầu; 17 hồ sơ kê khai giá của 14 đơn vị; Hà Nội có 51 hồ sơ, trong đó có 32 hồ sơ đăng ký giá, 19 hồ sơ kê khai giá...

Về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, tỉnh Đồng Nai hiện đang thẩm định nhu cầu vốn vay của các đơn vị tham gia bình ổn và phê duyệt giá bán hàng bình ổn cho các đơn vị tham gia chương trình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần