Tiếp tục tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF) 2014 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự...

Kinhtedothi - Ngày 5/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF) 2014 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các lãnh đạo cấp cao của tất cả các bộ, ban, ngành tại VBF năm nay đã chứng tỏ sự quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo mọi điều kiện để cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

99% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã trở lại hoạt động

Tại Diễn đàn, các nhà đầu tư đánh giá cao các giải pháp kiểm soát tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà đầu tư của Chính phủ Việt Nam sau các cuộc biểu tình quá khích của công nhân vào giữa tháng 5 vừa qua. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài bị thiệt hại. Bà Liu Mei Tei - Tổng Hội trưởng Tổng Hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam chia sẻ với Chính phủ và người dân Việt Nam về sự cố mà bà gọi là "sự kiện tháng 5" đáng tiếc. "Các DN Đài Loan có bị ảnh hưởng, tổn thất do hành động quá khích của một số công nhân. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam đã cho thấy quyết tâm đầy hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề" - bà Liu Mei Tei nói.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến nay, 99% các DN bị thiệt hại đã trở lại hoạt động bình thường. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc   khẳng định, ngay cả những DN bị thiệt hại lớn nhất cũng đang có kế hoạch triển khai xây dựng lại nhà xưởng, tiếp tục sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, niềm tin của DN vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn được giữ vững. Người đứng đầu VCCI cho rằng, mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển và bảo đảm sự tự chủ, không lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Sáng 5/6, bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Hội thương gia Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam do bà Lưu Mỹ Đức - Chủ tịch Hội dẫn đầu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đài Loan là đối tác đầu tư thành công tại Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài đầu tư hiệu quả, lâu tài tại Việt Nam, trong đó có các DN của Đài Loan. (Chính Sự)
Các đại biểu cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất cũng như tăng niềm tin của DN vào môi trường đầu tư ở Việt Nam. Ông Fred Burke - đồng trưởng nhóm công tác Đầu tư & Thương mại cho rằng, biện pháp cấp thiết là phải giảm nhẹ ảnh hưởng đến công nhân, thông qua việc sớm thanh toán các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, từ đó bảo đảm DN trả lương được kịp thời.

Lắng nghe những ý kiến của cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ đưa ra một phương án "có lý có tình" để hỗ trợ DN sớm phục hồi sản xuất. Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết vụ việc. Trong đó, T.Ư sẽ có tổ công tác liên ngành gồm các bộ và UBND các tỉnh trực tiếp làm việc với từng DN bị thiệt hại nặng. Tại địa phương cũng có những tổ công tác đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất để giải quyết vướng mắc do một phó chủ tịch địa phương làm tổ trưởng.

Đón đầu các hiệp định thương mại mới

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó đặc biệt là Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán trong tháng 10/2014. Theo đại diện các DN nước ngoài, giới chuyên gia và các hiệp hội DN, những hiệp định này sẽ đem đến cơ hội cho Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng. Quá trình này sẽ giúp phát triển các chuẩn mực mới về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, quyền sở hữu trí tuệ…

Để chuẩn bị cho TPP và các hiệp định thương mại khác, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, Việt Nam cần mạnh tay hơn nữa trong việc phòng chống tham nhũng. Vấn đề này có tác động tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội nói chung. "Đây là thời điểm cần đảm bảo các cam kết WTO được thực hiện đúng thời hạn với tinh thần tạo dựng một môi trường kinh tế cạnh tranh và hiệu quả - đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ" - vị đại diện này chia sẻ.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cụ thể là năng lượng và giao thông vận tải thiếu hụt cũng đang cản trở dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vấn đề này nên được giải quyết ở tầm quốc gia với những mô hình hợp tác công - tư và các mô hình đối tác khác để thực hiện hiệu quả hơn.

Nhiều đại biểu kiến nghị, Việt Nam cần có hệ thống thanh tra đầu tư, nhằm mục đích hỗ trợ công tác giải quyết khiếu nại ở các công ty FDI. Thanh tra đầu tư nước ngoài và cơ quan giải quyết khiếu nại thu thập và phân tích các thông tin liên quan đến các vấn đề mà các DN FDI gặp phải và đề xuất thực hiện hợp tác của các cơ quan quản lý có thẩm quyền, đề ra những chính sách mới nhằm cải thiện cơ chế khuyến khích đầu tư nước ngoài…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Các bạn hãy tin Việt Nam

Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người nước ngoài công tác, làm việc, sinh sống và học tập tại Việt Nam. Hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện mục tiêu này. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia theo luật pháp quốc tế, chúng tôi cũng khẳng định sẽ không để tình trạng như vừa qua tái diễn. Các bạn hãy tin vào Việt Nam. Việt Nam sẽ là quốc gia ổn định về chính trị và có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần