Trong 13 tham luận được lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương trình bày tại Đại hội, đã làm rõ thêm những kết quả trong cải cách hành chính, phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, an sinh xã hội… Đồng thời, cũng đề xuất thêm một số giải pháp mới, đặc biệt là tiếp cận nền tảng số, kinh tế số, khoa học và đổi mới sáng tạo…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Lấy sự hài lòng làm “thước đo" cải cách hành chínhKết quả cải cách hành chính trong thời gian vừa qua đã tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Nhiều điểm nghẽn về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN… Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, xây dựng... Để đẩy mạnh cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đề xuất 6 giải pháp, trong đó, hoàn thiện thể chế; cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến người dân, DN; bãi bỏ các thủ tục đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh… Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại. Tập trung triển khai hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầuQuá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư... không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định". Theo đó, về các định hướng lớn, cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực, tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, tham gia hệ sinh thái số. Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạoTheo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).Trong thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển KT - XH, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST, chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội; tháo gỡ các rào cản, đặc biệt là những vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại. Thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy DN làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số...
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư Y Thanh Hà Niê Kđăm: Phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nướcĐoàn đại biểu Đảng bộ Khối DN T.Ư nhất trí cao với nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là các quan điểm về DN Nhà nước (DNNN). Đồng thời, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy DNNN phát triển bền vững. Trong đó, sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện sở hữu nhà nước, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản của nhà nước đầu tư vào DN một cách rõ ràng hơn. Qua đó, làm cơ sở cho DNNN hoạt động, tận dụng được thế mạnh của các DN lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của DNNN. Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hoặc các quy định cụ thể để tách bạch việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của DNNN với các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công ích Nhà nước đặt hàng cho DN. Trên cơ sở đó thực hiện việc giám sát và đánh giá DN trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chuẩn mực quốc tế và bảo đảm hoạt động kinh doanh của DNNN bình đẳng như các DN khác.