Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp vụ “trạc tặc” tấn công tỉnh lộ 420: chưa xử lý triệt để

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù chính quyền sở tại đã tìm ra thủ phạm đổ thải nhưng cách xử lý vi phạm chưa triệt để khi phần lớn bãi thải hiện vẫn còn.

 

Bãi thải cạnh điểm tập kết rác thải sinh hoạt tạm thời của xã Dị Nậu đã được "cắt ngọn" và san gạt bằng phẳng (Ảnh chụp sáng 5/11).
Bãi thải cạnh điểm tập kết rác thải sinh hoạt tạm thời của xã Dị Nậu đã được "cắt ngọn" và san gạt bằng phẳng (Ảnh chụp sáng 5/11).

 

Đối tượng đổ thải có công ty phá dỡ nhà

Tình trạng đổ trộm thải, đặc biệt là chất thải rắn trên tỉnh lộ 420, đoạn qua địa phận xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đang có diễn biến phức tạp. Bất chấp sự lên tiếng của dư luận và cơ quan truyền thông, những bãi thải này vẫn không hề thuyên giảm mà cứ ngày một nhiều.

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã bắt gặp một người đàn ông ngang nhiên đứng chỉ đạo cho công nông chở chất thải rắn đổ trái phép ngay ven tỉnh lộ 420. Người đàn ông này còn khẳng định đã xin phép và được sự đồng ý của chính quyền địa phương về việc đổ thải này.

Các bãi thải gần Cụm công nghiệp xã Liên Hiệp vẫn còn nguyên vẹn (Ảnh chụp sáng 5/11).
Các bãi thải gần Cụm công nghiệp xã Liên Hiệp vẫn còn nguyên vẹn (Ảnh chụp sáng 5/11).

Để làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng đổ thải tràn lan trên tỉnh lộ 420, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã liên hệ làm việc với ông Đỗ Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ. Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Hoàng Giáp thừa nhận hiện trạng đổ trộm chất thải rắn mà báo phản ánh.

Đối với bãi thải cạnh điểm tập kết rác thải tạm thời của xã Dị Nậu, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp xác nhận, người đàn ông chỉ đạo cho công nông đổ chất thải rắn mà phóng viên bắt gặp và phản ánh trước đó có tên là Nguyễn Duy Loãn (SN 1989, trú tại thôn 7, xã Liên Hiệp).

Ông Nguyễn Duy Loãn chính là chủ đất và cũng là người trực tiếp thực hiện hành vi đổ thải. “Bản chất ông này có ruộng ở đó và cũng có hệ thống máy móc chuyên đi đào móng, phá dỡ công trình rồi đổ ra đấy” – ông Đỗ Hoàng Giáp nói và cho biết thêm, sau khi xác định hành vi của ông Nguyễn Duy Loãn, UBNX xã Liên Hiệp đã lập biên bản xử phạt hơn 3 triệu đồng, đồng thời yêu cầu ông Loãn phải múc bỏ số chất thải rắn đã đổ trái phép tại đây. “Trong 3 – 4 ngày hôm nay gia đình họ cũng đã triển khai múc bỏ. Yêu cầu phải múc bỏ hết tất cả mọi thứ và đào xuống. Không phải trả lại nguyên trạng của ruộng nhưng đại khái phải làm sao cơ bản” – ông Đỗ Hoàng Giáp cho hay.

Bãi thải khủng nằm gần chùa Am Linh, thuộc thôn 3,  xã Liên Hiệp.
Bãi thải khủng nằm gần chùa Am Linh, thuộc thôn 3,  xã Liên Hiệp.

 

Khu vực giáp ranh, khó giải quyết

Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp thừa nhận khó khăn trong công tác ngăn chặn tình trạng đổ trộm chất thải rắn tại đây do đây là vị trí giáp ranh giữa hai xã. “Giao cho công an quản lý thì chúng tôi cúng đã giao rồi. Tuần tra kiểm soát việc đổ trộm đất thải, phế thải vào đất nông nghiệp chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo. Nhưng nó là điểm giao giữa hai xã nên cũng rất khỏ quản lý” – ông Đỗ Hoàng Giáp nói và cam kết sẽ yêu cầu gia đình ông Nguyễn Duy Loãn khắc phục; đồng thời chính quyền địa phương sẽ quản lý chặt chẽ không để tình trạng đổ thải tái diễn.

Đối với bãi thải gần Cụm công nghiệp xã Liên Hiệp, ông Đỗ Hoàng Giáp cho biết, khu vực đổ thải phần lớn thuộc phần đất lưu không của tuyến đường tỉnh lộ 420. Bên cạnh đó, có một phần đất nông nghiệp cũng bị đổ thải vào, nhưng chiếm tỉ trọng không nhiều. Bất ngờ ở chỗ, ông Đỗ Hoàng Giáp cho biết, chính ông Nguyễn Duy Loãn cũng là một trong những thủ phạm đổ trộm chất thải ở đây. Mục đích đổ thải nhằm…. để tạm chờ đến lúc nào có nơi thi công đường xá, công trình, cần vật liệu đắp nền thì sẽ xúc chở đi.

Cận cảnh bãi thải khủng cách trụ sở UBND xã Liên Hiệp chỉ vài trăm mét.
Cận cảnh bãi thải khủng cách trụ sở UBND xã Liên Hiệp chỉ vài trăm mét.

Ngoài ông Loãn, các đối tượng đổ trộm chất thải rắn tại đây đến từ rất nhiều nơi khác nhau. Và, nơi được các đối tượng nhắm đến nhiều nhất là phần đất lưu không giáp mặt đường tỉnh lộ 420. “Canh Nậu cũng ra, Hữu Bằng cũng ra… Tóm lại cứ chỗ nào có phá nhà là người ta mang trạc ra đấy đổ” – ông Đỗ Hoàng Giáp nói, và tiết lộ thêm, trong những thủ phạm đổ thải ở đây còn có cả đơn vị thi công Dự án kênh tiêu trạm bơm Thụy Đức.

 

Trong khi các bãi thải trên tỉnh lộ 420 vẫn chưa được xử lý xong thì phóng viên Kinh tế & Đô thị phát hiện một bãi thải “khủng” nằm cách trụ sở UBND xã Liên Hiệp chỉ vài trăm mét. Bãi thải này nằm ngay trên đường vào chùa Am Linh, thuộc địa phận thôn 3, xã Liên Hiệp. Tại đây hàng ngàn khối đất đá, chất thải rắn, rác thải sinh hoạt cũ mới xen lẫn nhau. Nhìn hiện trạng có thể thấy bãi thải này tồn tại trong một thời gian rất dài.

Về giải pháp đối với bãi thải gần Cụm công nghiệp xã Liên Hiệp, ông Đỗ Hoàng Giáp cho biết, đối với phần chất thải đổ xuống đất ruộng, UBND xã sẽ yêu cầu chủ đất phải múc thải đi, trả lại nguyên trạng ban đầu. “Riêng khu vực thuộc đất lưu không đường, chúng tôi sẽ mời đơn vị quản lý đường bộ đến làm việc để cùng phối hợp tìm ra phương án giải quyết” – ông Đỗ Hoàng Giáp cho hay.

Trong ngày 5/11, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã tiến hành khảo sát dọc tuyến đường tỉnh lộ 420, đoạn qua địa phận xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ và ghi nhận hiện trạng các bãi thải ở gần cụm công nghiệp xã gần như vẫn còn nguyên trạng. Riêng bãi thải gần điểm tập kết rác thải tạm thời của xã Dị Nậu hiện đã được “cắt ngọn”. Tuy nhiên, bãi thải vẫn còn hàng ngàn khối chất thải được lấp cao ngang ngửa mặt đường.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.

Toàn cảnh bãi thải "khủng" nằm gần chùa Am Linh, cách trụ sở UBND xã Liên Hiệp chỉ vài trăm mét.