Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết kiệm năng lượng là giải pháp ''rẻ nhất'' tăng nguồn cung

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề "Giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới", tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 đã có nhiều giải pháp, kinh nghiệm được đưa ra, trong đó TKNL là giải pháp tối ưu.

Diễn đàn do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức chiều 16/9.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Cần đặt lên hàng đầu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN và các đại biểu đều nhất trí đó chính là giải pháp TKNL. Hay nói rộng hơn sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp "rẻ nhất" để tăng cường nguồn cung cho nền kinh tế. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An. Ảnh: Khắc Kiên
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An. Ảnh: Khắc Kiên

“Các giải pháp TKNL, Việt Nam có hẳn một chương trình quốc gia giai đoạn thí điểm thiết kế không gian để sử dụng hiệu quả. Nó thể hiện những việc rất nhỏ, đơn cử ngay ý thức ít đi xe buýt mà chủ yếu là đi xe máy, có khi chợ cách 200m cũng đi cũng làm gia tăng sử dụng nhiên liệu” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay. Quá trình thực hiện chương trình quốc gia, đánh giá chung là cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và so với các quốc gia phát triển hiện đang quá nhiều nguyên liệu cho một đơn vị GDP.

Theo Bộ Công thương, tăng trưởng điện luôn luôn biến động ở mức 2 con số. Những năm qua, để đảm bảo nguồn cung cho năng lượng, Chính phủ, các doanh nghiệp đầu tư một khoản khổng lồ. Ông Đặng Hoàng An mong muốn, các nhà khoa học, chuyên gia, diễn giả tập trung làm rõ chủ đề tiết kiệm cũng như nêu những vướng mắc, rào rào cản về các giải pháp tiết kiệm.

“Đây là những vấn đề và làm thế nào để chương trình quốc gia sự thật sự đi vào cuộc sống? Làm thế nào để Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực sự đi vào cuộc sống?...” - vị này nói.

Công nhân EVN đảm bảo điện mùa nắng nóng.
Công nhân EVN đảm bảo điện mùa nắng nóng.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, đồng thời có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm lớn.

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2021 nêu rõ, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ thông tin, GDP tăng trung bình 7,26%/năm trong giai đoạn 2001 – 2010 và 5,91% trong giai đoạn 2011 – 2015. Nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 – 2010, khoảng 7% giai đoạn 2011 – 2019, trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm giai đoạn 2001 – 2010 và khoảng 9,5% giai đoạn 2011 – 2019.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ. Ảnh: Khắc Kiên

Phát thải khí nhà kính (KNK) từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải KNK của Việt nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 73% năm 2030, 80% năm 2045. "Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023" - ông Trịnh Quốc Vũ nói.

Trong bối cảnh trong nước và thế giới như hiện nay, giải pháp thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và hiệu quả về năng lượng cần đặt lên hàng đầu. Do đó, các chính sách, giải pháp công nghệ và chương trình hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới là cần thiết.

Chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững

 

Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCO), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)...

Diễn đàn gồm hai phiên đã đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế... đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững.

Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam.
Giàn khoan ngoài khơi của Petrovietnam.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp đã thảo luận về lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26, đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ khuyến cáo nên sử dụng; Đưa ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội...

Cùng với đó, đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực; vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương trong từng lĩnh vực, trong doanh nghiệp và từng cá nhân.

“Từng bước tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ trong doanh nghiệp, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” - các ý kiến nhấn mạnh.

Bàn về các chính sách TKNL, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, có rất nhiều nghị quyết, quyết định, văn bản pháp luật… được ban hành để thực hiện. Theo đó, giảm cường độ năng lượng xuống từ 1 - 1,5% mỗi năm; tỷ lệ TKNL trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản thông thường (BAU) đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045; giảm tiêu thụ năng lượng 5 - 7% so với tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2025 và giảm 8 - 10% giai đoạn 2019 - 2030…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng

Theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải KNK giai đoạn 2021 - 2030 so với BAU bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

Chính vì thế, theo ông Trịnh Quốc Vũ, mục tiêu tổng quát là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; TKNL trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.  

Nêu quan điểm tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định, để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 năm 2021, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.

 

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 nhận được sự quan tâm tham dự của trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong đó khoảng 300 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến với nhiều đại sứ quán các nước như: Pháp, Úc, Isrel, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Séc, Thái Lan, Đan Mạch...