Bắt tạm giam Tổng giám đốc của Euro Auto
Theo Tổng cục Hải quan, 3 cá nhân bị khởi tố là lãnh đạo cấp cao của Công ty Euro Auto. Trong khi đó 2 đối tượng bị bắt tạm giam từ chiều qua (26/4), trong đó có ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Đăng Thảo làm Tổng Giám đốc Euro Auto từ ngày 1/11/2015 và là Tổng Giám đốc người Việt đầu tiên ở liên doanh xe nước ngoài. Trước đó, ông này đã có gần 7 năm giữ vị trí Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị của Công ty này. Một trong hai người còn lại bị bắt cùng ông Thảo có tên là Yến. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chưa cung cấp thêm thông tin về hai người này.
Về vụ việc của Euro Auto, cuối năm 2016, Bộ Tài chính sau khi thực hiện thanh tra hoạt động nhập khẩu ô tô thương hiệu BMW của Euro Auto đã phát hiện nhiều sai phạm tại công ty này.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, sai phạm của Công ty Cổ phần Ô tô Âu Châu là đã tự ý tiêu thụ hàng hóa (là lô hàng ô tô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.
Công ty này không cung cấp được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW từ công ty nhập khẩu. Có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng. Đặc biệt, Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như: Hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW.
Tạm dừng việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ
Về bảo lãnh Chính phủ, chương trình này đặt kế hoạch cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo hướng: Đối với phát hành trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách Xã hội, khống chế hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm để ổn định dư nợ.
Đối với các khoản vay nước ngoài đã được cấp bảo lãnh Chính phủ và đang giải ngân, thực hiện khống chế hạn mức rút vốn ròng hàng năm là 1 tỷ USD/năm.
Đáng chú ý, nội dung chương trình nêu rõ: "Tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước; đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và hàng năm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt".
Chính phủ cũng đặt kế hoạch chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.
Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm, nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không sử dụng vốn vay ngắn hạn cho đầu tư các chương trình, dự án trung và dài hạn, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
Chấn chỉnh tour 0 đồng đón khách Trung Quốc
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 263 ngày 30/8/2016; tăng cường chỉ đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ công tác quản lý kinh doanh lữ hành, đặc biệt là hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc bằng đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế, các hoạt động bán hàng, bán tour ngoài chương trình cho khách du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước thực hiện công tác quản lý ngoại hối. Trong đó, tập trung vào việc thanh toán, chuyển tiền của các doanh nghiệp lữ hành đối với đối tác nước ngoài, việc thanh toán bằng ngoại tệ tại các điểm dịch vụ, điểm mua sắm... phục vụ khách du lịch.
Đồng thời đẩy mạnh công tác rà soát chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh du lịch và các quy định về quản lý, sử dụng hóa đơn tài chính.
Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động
Căn cứ Kết luận kiểm tra số 343/KL-BCT ngày 12/1/2017 của Bộ Công Thương về việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quy trình điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.
Trong đó, danh sách 5 doanh nghiệp bị Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt với số tiền lớn nhất trong năm 2016 bao gồm: Công ty cổ phần Liên minh Tiêu dùng Việt Nam; Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam; Công ty Cổ phần Nhượng Quyền Thiên Lộc; Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam. Cả 5 công ty này đều đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.