Có TPP hay không, Việt Nam vẫn hội nhập sâu rộng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về tương lại, quan điểm và chính sách của Việt Nam đối với TPP.

Hội nhập nhưng tự chủ về kinh tế
Sáng 17/11, gửi câu hỏi chất vấn tới Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Lê Quân (Hà Nội) cho biết, sau sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, một vấn đề doanh nghiệp và người dân quan tâm đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không nhận được sự đồng thuận của Tổng thống mới và Đảng Cộng hòa. Vị đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết ý kiến về tương lai của TPP, quan điểm và chính sách của Việt Nam đối với TPP như thế nào.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia TPP và đã sẵn sàng trình với Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiệp định với 12 nước thành viên, và Mỹ hiện đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Không tham gia TPP hay có tham gia thì nền kinh tế chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chúng ta có 12 hiệp định thương mại tự do, cho nên có tham gia TPP rất tốt, không tham gia TPP chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập nền kinh tế với các chương trình đã thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục có chương trình hội nhập quốc tế thời gian tới, kể cả với ASEAN".
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) bày tỏ mối băn khoăn về giải pháp đảm bảo nền kinh tế giữ vững độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập đang ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới.
Thủ tướng cho rằng, trong thời đại mới, Việt Nam hội nhập quốc tế rất sâu rộng, nhưng Đảng, Nhà nước cũng đã đặt ra yêu cầu, phải độc lập, tự chủ về kinh tế.
Xác định trách nhiệm ở Dự án ethanol và Xơ sợi Đình Vũ
Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ công bố chính thức Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học (ethanol) và dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ.
Đồng thời tiến hành xử lý sau thanh tra: Phân tích, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến hậu quả thiệt hại và thua lỗ của từng dự án; xác định rõ phạm vi trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong từng dự án và theo từng giai đoạn, từ giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy đến giai đoạn đưa nhà máy vào hoạt động.
 Dự án xơ sợi Đình Vũ trị giá 7.000 tỷ đồng đang "đắp chiếu" từ cuối 2015
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiệu quả của từng dự án, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường.
Theo phân công của Thủ tướng, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiểm tra, làm rõ thực trạng hoạt động của từng dự án, khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, giải quyết những tồn tại và đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành có liên quan phối hợp thực hiện nghiêm túc những nội dung kiến nghị nêu trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Việt Nam tiếp tục nuôi "giấc mơ" công nghiệp ô tô
Theo thông tin từ Bộ Công thương, một mục tiêu quan trọng được đặt ra cho ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là Việt Nam sẽ hình thành doanh nghiệp qui mô lớn (đẫn dắt thị trường). Theo đó, thu hút và tập trung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động.
 
Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi, sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới. Đối với xe tải và xe khách sẽ tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn, các loại xe chuyên dùng.
Về công nghiệp hỗ trợ, định hướng cho thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.
Cụ thể tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với sản xuất ô tô đặt mục tiêu đến năm 2020, xe đến 9 chỗ đạt 30 - 40%, từ 10 chỗ trở lên đạt 35 - 45%, xe tải đạt 30 - 40%, xe chuyên dụng đạt 25 - 35%; đến năm 2035, xe đến 9 chỗ đạt 55 - 60%, từ 10 chỗ trở lên đạt 75 - 80%, xe tải đạt 70 - 75%, xe chuyên dụng đạt 60 - 70%.
Đánh thuế nhà ở thứ 2 sẽ làm giảm sức mua
Tuần qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã đưa ra nhận định về việc áp dụng quy định đánh thuế nhà thứ 2 tại Việt Nam. Theo đơn vị này sẽ cần phải xem xét nhiều khía cạnh và tác động của chính sách có thực sự hiệu quả, đúng đối tượng, mục tiêu.
 
Trong đó, VNREA nhấn mạnh, những khó khăn như để áp dụng luật này, Việt Nam phải xây dựng một hệ thống để nhận biết và quản lý người mua bất động sản. Vì vậy, trên thực tế, nếu nhà đầu tư, khách hàng mua một bất động sản khác (sở hữu căn nhà thứ hai trở lên) ở Việt Nam, thì làm thế nào để cơ quan quản lý giám sát được việc này?
Đơn vị này còn cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và đang rất hấp dẫn. Có rất nhiều nhà đầu tư mua bất động sản thứ hai trở lên. Nếu áp dụng ngay luật thì có khả năng sẽ giảm mức hấp dẫn của thị trường bất động sản thứ hai này và sẽ ảnh hưởng đến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường.
Đặc biệt, Hiệp hội cho hay, thời gian qua thông tin Bộ Tài chính đề nghị thu thuế nhà thứ hai đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và giới đầu tư. Do đó, chính sách đánh thuế mới này được cho là sẽ có tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam và ảnh hưởng đến giao dịch bất động sản phân khúc căn hộ.