Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiêu điểm tuần] Chuyến công du thành công của Thủ tướng, cả nước bước vào kỳ nghỉ 30/4

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ hai tại Trung Quốc. Ở trong nước Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Đặng Anh Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

[Tiêu điểm tuần] Chuyến công du thành công của Thủ tướng, cả nước bước vào kỳ nghỉ 30/4 - Ảnh 1
Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu tại đảo Trường Sa lớn năm 1988. Ảnh tư liệu
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần
Vào hồi 20h10, ngày 22/4/2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, TP Hà Nội, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (sinh năm 1920) đã từ trần sau 1 thời gian lâm bệnh.
Tang lễ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được tổ chức với nghi thức Quốc tang. Danh sách Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.
Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h đến 11h, ngày 3/5, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Lễ truy điệu từ 11h và lễ an táng từ 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Trong 2 ngày Quốc tang (ngày 3/5 và ngày 4/5/2019), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VGP
Chuyến đi "kết nối kinh tế, mở cửa thị trường" của Thủ tướng
Tối 27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ hai theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Từ ngày 25 - 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động như dự lễ khai mạc, các hội nghị bàn tròn của Diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh, tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, gặp mặt, thăm hỏi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc.
Bên lề Diễn đàn, Thủ tướng đã có các cuộc gặp, tiếp xúc bên lề với Tổng thống Tajikistan, Tổng thống Philippines, Chủ tịch nước Lào, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Singapore, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ tự do Nhật bản để trao đổi những biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương cũng như tăng cường hiệu quả phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực và trên thế giới.
Chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác "Vành đai và Con đường" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần tích cực vào việc duy trì đà hợp tác phát triển ổn định của quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, khẳng định thiện chí và vai trò của Việt Nam trong việc mở rộng hợp tác và kết nối kinh tế quốc tế vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Vụ tai nạn trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương ngày 28/4
Cả nước bước vào kỳ nghỉ 30/4 - 1/5
Vào cuối tuần này cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Sau 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ năm nay, toàn quốc đã xảy ra 44 vụ tai nạn giao thông, làm chết 36 người, bị thương 33 người. So sánh với 2 ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ năm 2018, tai nạn giao thông tăng 4 vụ (tăng 10%), tăng 10 người chết ( tăng 38,4%), tăng 9 người bị thương (tăng 37,5%).
Bắt đầu từ chiều 26/4 và sáng 27/4, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn bắt đầu về quê nhân dịp nghỉ lễ dẫn tới trình trạng lưu lượng giao thông tăng cao, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại một số trục chính, đầu mối giao thông như nhà ga, bến xe, sân bay, các tuyến ra vào cửa ngõ các thành phố lớn, khu du lịch.
Tại Hà Nội, bên trong bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm số lượng hành khách tập trung rất đông, người dân xếp hàng mua vé kéo dài, nhiều tuyến xe có lượng người đi lớn như Thanh Hóa, Nam Định, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Điện Biên... hành khách phải chờ đợi nhiều giờ mới lên được xe.
Tuy nhiên, do lưu lượng giao thông tăng cao, nên đã xuất hiện tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại một số tuyến đường cửa ngõ thủ đô như đường Trường Chinh hướng Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; đường Giải Phóng, Kim Đồng, Pháp Vân, Ngọc Hồi, đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, đường vành đai 3 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đi về Linh Đàm.
Tại TP Hồ Chí Minh, bên trong bến xe Miền Tây và Miền Đông, lượng hành khách về quê tăng cao, khu vực bán vé luôn quá tải, nhiều hành khách phải chờ đợi lâu tại bến xe. Từ 15h ngày 26/4, lưu lượng xe cá nhân tăng cao khiến các con đường dẫn vào Bến xe Miền Đông như Đinh Bộ Lĩnh, QL13, Nguyễn Xí, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đều trong tình trạng bị ùn tắc nghiêm trọng.
Sang đến ngày 28/4, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang bị ùn tắc nghiêm trọng. Hàng nghìn phương tiện đi nghỉ lễ trong dịp 30/4 đã phải nối đuôi nhau và chấp nhận chôn chân tại chỗ. Nguyên nhân do 1 vụ tai nạn "dồn toa" giữa 8 phương tiện.
Trong khi đó, hàng ngàn người và phương tiện từ TP Hồ Chí Minh theo QL1 về các tỉnh miền Tây nghỉ lễ tăng đột biến khiến giao thông các tuyến QL1 và QL60 nhiều nơi bị ùn ứ kéo dài, một số điểm kẹt xe kéo dài.
Nghiêm trọng nhất ở các điểm cầu trên QL1 đoạn qua huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (Tiền Giang) như: Cầu Mỹ Đức Tây, Rạch Miễu, Cổ Cò, An Cư, cầu Rượu… Ô tô tải, xe khách, xe container… nối đuôi nhau dừng tại chỗ gần 30 phút mới qua được cầu. Đáng chú ý, Trạm thu phí cầu Rạch Miễu đã chủ động xả trạm hơn 1 giờ đồng hồ (từ 8h40 đến 9h40) để giải phóng các phương tiện.
Tại các điểm du lịch Đà Lạt, Cát Bà... tình trạng ùn tắc cũng được ghi nhận. Nguyên nhân do lượng khách đổ về tăng cao.
Ảnh minh họa
Mới vào đầu hè hóa đơn tiền điện đã tăng vọt
Trong tuần ghi nhận nhiều hộ gia đình tại các TP phản ánh kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng mạnh. 
Về vấn đề trên Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải: Kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng do theo quy luật thời tiết, hàng năm thì tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Khu vực miền Bắc đặc biệt là Thủ đô Hà Nội cũng bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.
Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3 theo Quyết định 648/QĐ-BCT. Cụ thể, khung giá cho đối tượng sinh hoạt bậc thang như sau:
Bậc 1: từ 0 - 50 kWh, tăng từ 1.549 đồng/kWh lên 1.678 đồng/kWh, tương ứng 8,33%. Bậc 2: từ 51-100 kWh, tăng từ 1.600 đồng/kWh lên 1.734 đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 3: từ 101-200kWh, tăng từ mức 1.858 đồng/kWh lên 2.014 đồng/kWh, tương ứng 8,40%. Bậc 4: từ 201 - 300kWh, tăng từ mức 2.340 đồng/kWh lên 2.536 đồng/kWh, tương ứng 8,38%. Bậc 5: từ 301 - 400kWh, tăng từ mức 2.615 đồng/kWh lên 2.834 đồng/kWh, tương ứng 8,37%. Bậc 6: từ 401 kWh trở lên, tăng từ 2.701 đồng/kWh lên 2.927 đồng/kWh, tương ứng 8,37%.
Theo EVN, với mức tăng này, trường hợp khách hàng sử dụng 400kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.
Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3). Như vậy, số ngày sử dụng điện dài hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng Hè, cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.
Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Đặng Anh Tuấn. Ảnh Mic.gov.vn
Bắt Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông
Ngày 25/4, Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Theo Công an tỉnh Phú Thọ, thực hiện công tác điều tra giai đoạn 2 vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm phạm tội "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", "Tổ chức đánh bạc", "Đánh bạc", "Mua bán trái phép hóa đơn", "Rửa tiền" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành, ngày 25/4/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Anh Tuấn, sinh năm 1970, trú tại Phòng 1405, nhà 34T, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, hiện là Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hành vi phạm tội của Đặng Anh Tuấn được xác định: Tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ký quyết định số 1718/QĐ-BTTTT "Thành lập đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet" tại một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện thông tin Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao do Nguyễn Văn Dương điều hành, đang hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Tip.Club. Đoàn kiểm tra đã đề xuất biện pháp xử lý.
Tuy nhiên, Đặng Anh Tuấn đã lợi dụng chức vụ là Chánh thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông không tham mưu để Bộ trưởng chỉ đạo xử lý theo đề xuất của Đoàn kiểm tra.
Mặc dù không phải là thành viên Đoàn kiểm tra, nhưng vì ý thức chủ quan của cá nhân, Đặng Anh Tuấn đã ký phiếu trình số 63/Ptr-Ttra, ngày 08/6/2017 đề xuất Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho dừng hoạt động của Đoàn kiểm tra mà không có kết luận xử lý, dẫn đến hoạt động của game bài Tip.Club không được ngăn chặn xử lý kịp thời, để các đối tượng tiếp tục phạm tội trong thời gian dài, thu lời bất chính đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, lợi ích vật chất của Nhà nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, gây dư luận xấu trong nhân dân.
Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang tiến hành các biện pháp điều tra mở rộng vụ án, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, sớm đưa các đối tượng ra truy tố trước pháp luật.
Xe ô tô hiệu Santafe gây tai nạn trên đường Láng
"Xe điên" đâm tử vong nữ công nhân môi trường đô thị
Vụ tai nạn xảy ra khoảng 23h tối 22/4, tại khu vực đường Láng (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa).
Vào thời điểm trên, xe ô tô hiệu Santafe mang BKS: 29A-784.09 do Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, trú tại 93A, ngõ 409 Kim Mã, Ngọc Khánh, quận Ba Đình) điều khiển di chuyển theo hướng từ Ngã Tư Sở - Láng với tốc độ cao. Khi đến số 218 đường Láng đã đâm trực diện khiến chị Lê Thị Thu Hà (SN 1977), công nhân môi trường đô thị Hà Nội tử vong tại chỗ.
Không dừng lại, chiếc "xe điên" vẫn lao đi với tốc độ cao, đâm tiếp vào ôtô Mercedes S400 mang BKS 30F-198.34 do chị Dương Thị Ánh N (SN 1992, ở Hà Nội) điều khiển và xe máy Airblade BKS 18L1-255.83 do anh Lê Thành Đ (SN 1997) cầm lái chở một người đi cùng.
Xe ô tô Santafe vẫn tiếp tục bỏ chạy với tốc độ cao đến khu vực 81 Láng Hạ thì xe chết máy, tài xế "xe điên" bị người dân vây bắt. Ngay sau đó cơ quan công an đã thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế trên.
Ngay sáng hôm sau (23/4), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Lê Thị Thu Hà
Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự chia buồn sâu sắc trước mất mát đột ngột của gia đình; động viên người thân của nạn nhân vượt qua nỗi đau, giữ gìn sức khỏe, tiếp tục lao động, học tập.
Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, quận Đống Đa, phường Phương Liên và các đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chị Lê Thị Thu Hà, tổ chức chu đáo tang lễ, ổn định cuộc sống; hỗ trợ việc học tập đối với 2 con nhỏ (đang học lớp 6 và lớp 9) của chị Lê Thị Thu Hà.
Tiếp sau đó gia đình chị Hà cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ từ các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội và cả các cá nhân trên mạng xã hội.
Nghi can Trần Trọng Luận

Vụ thảm sát 3 người ở Bình Dương
Ngày 27/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã quyết định khởi tố vụ án thảm sát 3 người ở Bình Dương để điều tra làm rõ hành vi giết người đối với Trần Trọng Luận (SN 1985, ngụ Bình Dương).
Theo cơ quan điều tra, Trần Trọng Luận, nghi can gây ra vụ thảm sát, là người nghiện ma tuý, ham mê cờ bạc, không nghề nghiệp, sinh sống với mẹ ở gần nhà nạn nhân Đào Thị Thu Cúc (54 tuổi, ở khu phố Tân Ba, phường Thái Hoà, thị xã Tân Uyên, Bình Dương).
Theo điều tra ban đầu, Luận thường hay qua nhà bà Cúc để uống cà phê và mở phim nhạy cảm xem.
Biết được Luận hay xem phim không lành mạnh nên Trần Thị Quỳnh Nhi (17 tuổi, nạn nhân) xua đuổi, không cho Luận tiếp tục qua nhà. Từ đó Luận phát sinh mâu thuẫn với Nhi và nảy sinh ý định trả thù.
Khoảng 0h ngày 24/4, Luận chuẩn bị 3 con dao, 1 cây mã tấu và dùng dây kẽm cột cửa các nhà trọ ở xung quanh rồi đột nhập vào nhà bà Cúc từ trên mái nhà.
Khi Luận đột nhập vào nhà thì bà Cúc phát hiện. Luận dùng mã tấu chém bà Cúc tử vong tại chỗ. Sau đó, Luận lần lượt sát hại em Nhi và cháu Nguyễn Thị Bảo Ngân (8 tuổi) rồi tiếp tục leo mái nhà thoát ra ngoài.
Sau khi ra vụ thảm sát, Luận trở về nhà phi tang hung khí, tắm rửa rồi ở nhà như bình thường.
Triệt phá đường dây làm bằng giả cực lớn
Trong tuần này, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa triệt phá thành công 1 đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ cực lớn. Phạm vi tiêu thụ không chỉ ở Hà Nội mà trên khắp các tỉnh thành. 2 đối tượng cầm đầu là: Lê Văn Hoàng (SN 1985, trú tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), cùng em trai là Lê Hoàng Phi (SN 1996).
Tại cơ quan công an, bước đầu Lê Văn Hoàng khai nhận, qua mạng xã hội, thấy nhu cầu cần mua văn bằng, chứng chỉ giả rất lớn, nên Hoàng đã mua các loại phôi bằng, con dấu cùng các công cụ, máy móc phục vụ việc làm bằng giả trên mạng với giá khoảng hơn 100 triệu đồng.
Sau đó, Hoàng thuê lập website có tên lambangdaihoc.com.vn để quảng cáo tìm khách và giao dịch mua bán. Với mỗi bằng giả đối tượng thu về từ 3 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, Lê Hoàng Phi trợ giúp anh trai đóng dấu, ký nháy các văn bằng giả, đồng thời vận chuyển bằng giả đến cho khách hàng.
Chỉ trong khoảng 1 năm, đường dây của 2 anh em Hoàng đã sản xuất hàng nghìn tấm bằng giả các loại của nhiều trường đại học, cao đẳng. Khám xét tại nơi ở của Hoàng ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), cơ quan công an đã thu giữ tại chỗ khoảng 1 tấn phôi bằng, chứng chỉ các loại; 1.200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cùng nhiều máy móc phục vụ cho việc sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả.
Hiện Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đồng thời tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án, tiếp tục truy bắt các đối tượng liên quan.