Bế mạc Phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 10/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 34 sau 3 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, trách nhiệm, hoàn thành chương trình đề ra.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và cho ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các báo cáo: Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương; việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho tỉnh Hà Tĩnh; việc chuyển nguồn vốn Dự án đóng mới 06 tàu kiểm ngư và Dự án sửa chữa nâng cấp 3 tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản viện trợ (thành tàu kiểm ngư) theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội. Xem xét việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung danh mục mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định theo thẩm quyền việc thành lập một số đơn vị hành chính dưới tỉnh thuộc tỉnh Đồng Nai: thị trấn Dầu Giây thuộc huyện Thống Nhất; thị trấn Nhơn Trạch thuộc huyện Nhơn Trạch; 6 phường thuộc thành phố Biên Hoà; việc sử dụng nguồn vốn 10.000 tỷ đồng từ việc điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội.
Sáng 12/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam). Đây là lần thứ 3 Việt Nam vinh dự đăng cai Vesak với chủ đề năm nay là "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững".
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 trao đổi các vấn đề, trong đó có cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, sự lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững; đặc biệt là các vấn đề Phật giáo trong đời sống như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Phật giáo, cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Qua đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra những giải pháp căn bản nhất, xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà Liên hợp quốc hướng tới.
Trong bài phát biểu tại đại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã vượt trên một lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật và trao truyền cho tất cả chúng ta thông điệp lâu đời của đức Phật Thích ca về hòa bình, hòa hợp, khoan dung và nhân ái mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó cũng là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc, tôn giáo và là chất liệu góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, chân lý hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.
Việt Nam tự hào được Liên hợp quốc chọn tổ chức Đại lễ Vesak 2019 với sự tham gia của lãnh đạo các tông phái Phật giáo đến từ nhiều quốc gia và sự thành kính hướng tâm về Đại lễ của muôn người yêu kính Phật giáo khắp nơi.
Đại lễ Vesak 2019 thêm một lần nữa khẳng định Nhà nước Việt Nam quan tâm và tôn trọng những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ, phù hợp với văn hóa, đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.
Sáng 12/5, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức phát động đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia - Không lái xe".
Tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cho biết, mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng.
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, điển hình là 2 vụ ngày 22/4 và 1/5/2019 tại Hà Nội, đã cướp đi 3 người mẹ khiến 5 cháu nhỏ đang hạnh phúc ấm êm bỗng trở nên bất hạnh, côi cút, vĩnh viễn không còn mẹ.
Những người gây ra tai nạn đã có pháp luật xử lý nghiêm, nhưng có lẽ hình phạt nặng nề hơn là sự ân hận, dằn vặt suốt đời vì những nỗi đau họ đã gây ra cho gia đình nạn nhân cũng như chính gia đình mình.
Để ngăn chặn và đẩy lùi những nỗi bất hạnh mà tai nạn giao thông gây nên, đặc biệt là những tai nạn do lái xe sau khi uống rượu bia, Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tại Việt Nam cùng thực hiện một hành động "Đã uống rượu bia - không lái xe".
"Mỗi người hãy cương quyết không uống rượu bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Hãy từ chối, cương quyết từ chối ngồi lên xe ô tô hay mô tô mà người lái xe vừa uống rượu, bia. Những người chủ nhà hàng, quán nhậu hãy hỏi để biết và cung cấp đồ uống không có cồn cho khách hàng phải lái xe sau bữa ăn", Phó Thủ tướng nói.
Tại chương trình, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và hàng ngàn người dân Thủ đô cùng đi bộ quanh Hồ Gươm để hưởng ứng thông điệp này.
Đại diện Bộ GD&ĐT chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí. |
Sáng 11/5, Bộ GD&ĐT cung cấp thông tin báo chí về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2019.
Theo đó kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng là 652.980, chiếm 73.65%. Công tác đăng ký dự thi thuận lợi, trôi chảy, không có trục trặc.
Trong tổng số hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 có 38.389 thí sinh tự do, chiếm 4.33%. Số thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên là 302.157 em, chiếm 34.08%. Số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội là 468.140 em, chiếm 52.8%. Có 27.165 thí sinh chọn cả 2 bài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chiếm 3.06%.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh, để chủ động phòng ngừa, phát hiện các sai phạm, gian lận Bộ GD&ĐT đã thực hiện một số điều chỉnh về tổ chức và kỹ thuật trong tất cả các khâu tổ chức thi.
Riêng với khâu chấm thi, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi (bao gồm cả dữ liệu quét ảnh, các dữ liệu trung gian và kết quả chấm thi cuối cùng). Thực hiện "đánh phách điện tử" phiếu trả lời trắc nghiệm.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, năm 2019, kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ được công bố chậm 3 ngày so với năm 2018. Thời gian công bố kết quả thi được ghi trong lịch công tác kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là 14/7/2019.
Một trong những vấn đề "nóng" được quan tâm nhất là việc giải quyết hậu quả bê bối gian lận điểm thi năm 2018, theo đại diện Bộ GD&ĐT hiện nay cơ quan an ninh điều tra vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra gian lận điểm thi tại Sơn La, Hòa Bình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm xuyên suốt của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT là xử lý nghiêm khắc những cá nhân liên quan dựa theo quy định của pháp luật và trên cơ sở có chứng cứ rõ ràng. Tinh thần của Bộ GD&ĐT là sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành các cán bộ, giáo viên vi phạm. Bên cạnh đó những phụ huynh tham gia vào việc "chạy điểm", nâng điểm cho con em mình cũng phải bị xử lý.
Trong tuần này, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới tại các tỉnh thành.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được phát hiện ở huyện Na Rì và Bạch Thông. Các ổ dịch đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi phát hiện ổ dịch, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh và thực hiện phun thuốc, khử trùng khu vực chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh. Như vậy chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, đến nay Bắc Kạn lại đang phải đối phó với dịch bệnh nguy hiểm trên.
Cũng từ đầu tháng 5/2019, Yên Bái, Đồng Nai và Bình Phước là những tỉnh mới phát hiện dịch tả lợn châu Phi.
Còn tại Hà Nội, tính đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.163 hộ chăn nuôi ở 895 thôn, tổ dân phố của 293 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm). Dịch tả lợn châu Phi làm mắc bệnh và tiêu hủy 80.557 con lợn. TP và chính quyền các địa phương đã cấp 67.747 lít hóa chất và 1.945.426kg vôi bột để thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
Trong khi đó tại Thừa Thiên Huế, Chi cục Chăn nuôi thú y cho biết đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Sau khi công bố hết dịch, các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển tiêu thụ, chế biến trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi dịch được hoạt động bình thường trở lại.
Hơn nửa tấn ma túy bị bắt ở TP Hồ Chí Minh
Chiều 11/5, hàng trăm trinh sát Cục Cảnh sát ma túy Bộ Công an phối hợp với Công an Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, các quận Tân Phú, Bình Chánh, Tân Bình... khám xét kho hàng tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh).
Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang 4 đối tượng, cầm đầu là Liu Ming Yang (người Đài Loan - Trung Quốc) cùng 3 đồng phạm gồm: Jhu Minh Jyun (34 tuổi, Đài Loan), Nguyễn Thị Thu Vân, Tô Gia Mỹ với gần 500kg ketamin (ma túy tổng hợp) giấu trong 4 máy ép bao bì.
Được biết, ma tuý ketamin là loại hàng hiếm trên thị trường hiện nay, có tác dụng mạnh gấp nhiều lần so với các loại ma túy khác. Lô hàng bắt giữ có giá trị ước khoảng 500 tỷ đồng.
Bước đầu xác định, Liu Minh Yang cùng đàn em nhập cảnh vào Việt Nam theo diện du lịch, rồi thuê kho hàng ở Bình Chánh để làm nơi tập kết hàng. Lượng ma tuý trên được chuyển từ khu vực Tam Giác Vàng về Việt Nam bằng đường bộ thông qua các cửa khẩu. Tại kho hàng, chúng đóng gói, cất giấu tinh vi rồi chuyển đi các nước khác tiêu thụ.
Trong tuần này TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử trùm ma túy Văn Kính Dương (38 tuổi, quê Hà Nội) về các tội: Sản xuất; Mua bán trái phép chất ma túy, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn khỏi nơi giam giữ, Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Người tình của Dương, Vũ Hoàng Anh Ngọc (25 tuổi, "hot girl" Ngọc Miu) bị truy tố về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. 8 bị cáo khác gồm: Lê Văn Mang, Phạm Bảo Quân, Nguyễn Đức Kỳ Nam, Nguyễn Bá Thành, Lê Hương Giang, Nguyễn Đắc Huy, Nguyễn Thu Huyền, Phạm Thị Thu Huyền được xác định là đồng phạm tích cực của Dương.
Những người liên quan khác trong vụ án đang trốn truy nã, không rõ lai lịch... cơ quan điều tra tiếp tục củng cố chứng cứ và sẽ xử lý sau.
Theo đại diện VKS, đây là vụ án sản xuất, mua bán ma túy lớn nhất cả nước thời điểm 2017. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo nhận thức được việc sản xuất, buôn bán ma túy là trái phép nhưng vẫn cố tình thực hiện để trục lợi. Từ việc sản xuất được thuốc lắc, các bị cáo đã bán ra thị trường hàng ngàn viên thuốc lắc, thu lợi hơn 2 tỷ đồng.
Các bị cáo đã đặt xưởng, chia tách công đoạn sản xuất ma túy, hình thành đường dây sản xuất, buôn bán ma túy khép kín để che mắt cơ quan chức năng. Số ma túy các bị cáo bán ra thị trường đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bản thân các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào khác, do đó cần áp dụng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt đối với các bị cáo Văn Kính Dương, Lê Văn Mang, Nguyễn Đức Kỳ Nam….để có tính răn đe. VKS xác định bị cáo Dương có vai trò chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn bán, sản xuất ma túy. 9 bị cáo còn lại trong vụ án có trò đồng phạm giúp sức cho Dương.
Sáng 9/5, sau 3 ngày xét hỏi đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị 6 mức án tử hình, 3 chung thân, 1 mức án 20 năm tù cho các bị cáo. Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX tuyên bố sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào 14h ngày 14/5.
Hình ảnh người dân, tài xế tập trung yêu cầu được miễn giảm phí tại BOT Hòa Lạc - Hòa Bình |
Trong tuần này tại trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình liên tiếp xảy ra việc người dân vây trạm, gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực. Trước thực trạng trên, Bộ Giao thông vận tải đã có công điện khẩn số 13/CĐ-BGTVT gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi kích động, gây rối.
Theo ông Bùi Quang Bát - Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng cản trở thu phí là do một số chủ phương tiện sinh sống trên địa bàn xóm Văn Minh, xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn lôi kéo tụ tập, tắt máy và dừng đỗ xe tại các làn thu phí trái quy định.
Những người này đã có nhiều hành vi cản trở việc thu phí dẫn tới ùn tắc giao thông và gây mất an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí. Mặc dù, các lực lượng chức năng của công an tỉnh Hòa Bình hỗ trợ tích cực; cán bộ nhân viên trạm thu phí đã chủ động tuyên truyền vận động, tổ chức đối thoại nhưng các chủ phương tiện vẫn có hành vi cản trở việc thu phí. Việc này dẫn đến BOT Hòa Lạc - Hòa Bình phải xả trạm liên tục để tránh ùn tắc.
Cũng theo ông Bùi Quang Bát, trước sự việc trên đơn vị đã đối thoại nhiều lần với các chủ xe, nhưng các kiến nghị về miễn giảm phí của chủ xe, nhà đầu tư BOT không giải quyết được do phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phương án miễn giảm phí cho các đối tượng phải được Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Hòa Bình quyết định.
Trước đó, trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Hòa Bình, việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí Km17+100 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận để nhà đầu tư, Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án từ 0h ngày 3/5/2019.