Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Bộ trưởng Bộ GTVT lý giải việc dùng từ “thu giá BOT”

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng bộ GTVT nói về thu giá, thu phí; Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 5 khoá 14; Quốc hội sẵn sàng "bấm nút" khai sinh 3 đặc khu kinh tế; Khởi tố, bắt giam 2 nhân viên gác barie trong vụ lật tàu ở Thanh Hóa... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Bộ GTVT lý giải việc dùng từ "thu giá BOT"

Mấy ngày nay dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề trạm thu phí/giá của Bộ Giao thông vận tải. Nhiều ý kiến gọi đó là 1 cách "lách luật". Vậy tại sao lại chuyển từ Trạm thu phí sang Trạm thu giá và việc này liệu có đúng luật? Trả lời những thắc mắc trên của dư luận, chiều 22/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Theo đó, việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của DN nên họ tự định giá, còn phí thì mang tính chất Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

"Phí sẽ do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá thì do DN tự ấn định và điều chỉnh cho phù hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích và cho biết thêm, khi chuyển sang thu giá, về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu tùy theo vị trí, khu vực; thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính.

"Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Vị đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết thêm, tuy vậy không có nghĩa chủ đầu tư muốn tăng giảm thế nào thì tùy, mà theo quy định mới, khung giá và giá tối đa sẽ chuyển về Bộ Giao thông vận tải điều tiết để trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa, thay vì Bộ Tài chính như trước đây. Về nguyên tắc, DN được quyền định giá nhưng Nhà nước có thể điều tiết theo thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân.

Tới đây, Tổng cục Đường bộ sẽ quản lý toàn bộ các trạm thu giá. Như vậy, việc thu chi bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm người dân có thể giám sát được thông qua các thiết bị điện tử mang tính chất chính xác cao.

Đối với các quy định của pháp luật về vấn đề này, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án.

Mỗi dự án BOT sẽ được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159 năm 2013 của Bộ Tài chính.

Sau đó, việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá thực hiện theo quy định của Luật Phí và Lệ phí được Quốc hội thông qua năm 2015. Theo đó, từ 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ, được điều chỉnh bởi Luật Giá.

Như vậy, 2 cách gọi này khác nhau ở bản chất, Bộ Giao thông vận tải sẽ là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, thay vì thẩm quyền của Bộ Tài chính. Thực tế, từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ này đã và đang là cơ quan ra quyết định đối với việc giảm mức thu đối với phương tiện tại các dự án BOT.

Xét về các khái niệm, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công. Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý Nhà nước.

Như vậy, phí và lệ phí đều liên quan đến một khoản tiền chi trả cho dịch vụ công, của Nhà nước. Trong khi đó, những khoản phí phải trả không cho dịch vụ công, đấy lại là giá.

Trong trường hợp của Bộ Giao thông vận tải, trước đây đường sá, cầu cống được Nhà nước đầu tư xây dựng, để hoàn vốn, Nhà nước đặt trạm thu, gọi Trạm thu phí là chính xác.

Đến hiện nay đường sá, cầu cống đã chuyển cho tư nhân làm dưới hình thức BOT, do vậy đây không còn là dịch vụ công nên không thể áp dụng quy định tại Luật Phí và Lệ phí (hiệu lực từ ngày 1/1/2017), mà chuyển sang điều chỉnh bởi Luật Giá (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Vậy nên chuyển từ Trạm thu phí sang Trạm thu giá cũng là điều rất hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về ngữ nghĩa của giá và phí. Phí là 1 khoản tiền cố định, trong khi đó giá không gắn liền với đồng tiền cụ thể, là giá trị được biểu hiện bằng tiền. Phí được cơ quan Nhà nước ban hành, quy định và điều chỉnh, còn giá do thị trường điều chỉnh. Chính từ đây đã dẫn đến những lo ngại về việc để các DN tự điều chỉnh mức giá thu, và người chịu thiệt nhất vẫn là người dân!

Trong chuyện này, hẳn nhiên Bộ Giao thông vận tải đã không sai, làm đúng luật, đúng quy trình. Thực tế các Trạm BOT hiện nay bị phản ứng vì đặt ở đường tránh, đường không làm mới mà chỉ sửa chữa, cộng với việc không minh bạch trong quản lý thu - chi, vị trí đặt trạm... cho nên dư luận có cớ để phản ứng trước sự thay đổi thu phí/thu giá của Bộ Giao thông vận tải.

Và, hiện giờ khi phương tiện lưu thông trên đoạn đường do Nhà nước làm thì người dân sẽ phải trả phí, còn lưu thông trên đoạn đường do DN bỏ vốn ra làm, người dân sẽ phải trả giá.
Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 5 khóa XIV
Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội.

Sáng 21/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hà Nội, dự kiến kéo dài trong 20 ngày. Theo thông lệ, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng luật và hoạt động giám sát tối cao (60% thời lượng). Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 12 ngày xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi)...

Các dự án luật khác được cho ý kiến gồm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục...

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng quý I/2018 đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây (7,38%), cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro và phức tạp. "Chúng ta cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị các kịch bản để ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực từ các biến động của thế giới nhằm bảo đảm nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững", bà Kim Ngân nhấn mạnh.

Trước hết, kỳ họp lần này tăng thêm các phiên phát thanh, truyền hình trực tiếp với 15 phiên toàn thể chiếm 40% tổng thời lượng kỳ họp. Trong đó, nhiều nội dung đang được cử tri và nhân dân cả nước dõi theo như: Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)…

Thứ hai là phiên chất vấn áp dụng phương thức 1 - 3. Đại biểu nêu nội dung chất vấn trong 1 phút, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trong 3 phút. Cứ sau 3 người hỏi thì người được chất vấn sẽ trả lời.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét cải tiến này sẽ giúp phiên chất vấn sôi động hơn vì số lượng đại biểu được hỏi nhiều hơn, nội dung hỏi chắt lọc hơn. Còn thành viên Chính phủ phải trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Thay đổi này cũng tránh tình trạng trùng lặp nội dung chất vấn, tăng thời gian tranh luận các vấn đề.

Đổi mới thứ ba là bên cạnh các nghị quyết chuyên đề, Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết chung để “gom” các vấn đề phát sinh đã được Quốc hội xem xét hoặc có quan điểm chính thức nhưng không nằm trong nghị trình... Hình thức này sẽ tiếp tục áp dụng ở các kỳ họp tới.

Phiên thảo luận về KT - XH và ngân sách của Quốc hội: Sôi nổi, trách nhiệm, quyết liệt, tính phản biện cao

Ngay trong tuần đầu khai mạc, Quốc hội đã dành 1,5 ngày thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 và tình hình ngân sách nhà nước năm 2016. Cả 3 phiên thảo luận đều diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, quyết liệt, mang tính xây dựng. Nội dung các ý kiến phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện, mang tính phản biện cao.

 ĐB Hoàng Quang Hàm cho nêu vấn đề khoảng lặng kinh tế liên quan tới việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vàokhai thác dầu thô và khai khoáng. Ảnh: Quốc hội.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm qua 25/5 và sáng 26/5 làm việc tại Hội trường, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó, có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Đoàn Chủ tịch gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng (buổi sáng); Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Ủy ban Kinh tế: Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh; Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải; Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bộ Tài chính: Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng; Phó Tổng Thư ký Quốc hội: Lê Bộ Lĩnh.

Nửa đầu phiên thảo luận buổi sáng 25/5, đã có hơn 90 ĐB đăng ký phát biểu, cho thấy tinh thần làm việc trách nhiệm của các ĐB. Kết thúc hai phiên thảo luận sáng và chiều 25/5, đã có 42 đại biểu đăng đàn, 8 ý kiến tranh luận.

Trong đó, tranh luận gay gắt nhất là về vấn đề “khoảng lặng kinh tế” liên quan tới việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng được ĐB Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nêu lên.

Cụ thể, ĐB Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.

"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ĐB Hàm nói.

Sau khi ĐB Hàm phát biểu, ngay lập tức, ĐB Trần Quang Chiểu giơ biển tranh luận với ý kiến trên. ĐB Chiểu nhấn mạnh: Khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.

Bên hành lang quốc hội ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) chi sẻ: Những tranh luận về vấn đề tăng trưởng kinh tế có hay không phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng của các ĐB trong nửa đầu phiên thảo luận sáng nay thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng.

Có một số ý kiến trái chiều về vấn đề này, tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không còn phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác dầu thô và khai khoáng. Thực tế, Năm 2017, chúng ta đã tăng trưởng âm về khai thác dầu thô và khai khoáng và tăng trưởng chủ yếu đến từ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

“Tuy vậy, chúng ta cũng không được ngủ quên trên chiến thắng, với tinh thần xây dựng, các đại biểu cũng đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ những cần tăng cường cơ chế, chính sách cho khối sản xuất vì sự tăng trưởng của khối này mới tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế”, ĐB Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.

Khởi tố bắt giam 2 nhân viên gác barie trong vụ lật tàu ở Thanh Hóa

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 0h30 ngày 24/5, tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Hiện trường vụ lật tàu ở Thanh Hóa.

Thời gian trên, tàu hỏa mang số hiệu SE19 di chuyển chạy theo hướng bắc - nam, khi đi qua đường ngang có gác chắn đã đâm thẳng ôtô tải hiệu Howo (hay còn gọi là xe “Hổ vồ”) chở đá biển số Nghệ An.

Vụ tai nạn đã khiến đầu máy 927 bị đổ và 6 toa xe bị trật bánh khỏi đường sắt, ôtô bị hư hỏng. Lái tàu và phụ lái tàu bị kẹt trong cabin đầu máy và đã tử vong, 13 hành khách bị thương.

Khoảng hơn 100 m đường ray và nhiều toa tàu bị hư hỏng nặng. Thời điểm xảy ra tai nạn, tàu SE19 đang chở hơn 400 hành khách từ Hà Nội vào Đà Nẵng.

Đến chiều 24/5 (sau 14 giờ xảy ra sự cố) với sự làm việc nỗ lực của hàng trăm công nhân, đường sắt Bắc - Nam thông tuyến trở lại sau sự cố hư hỏng đường ray sau vụ tai nạn.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ đạo khắc phục hậu quả và điều tra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE 19 với xe tải tại Thanh Hóa trong công điện ban hành trưa 24/5.

Công điện cho biết sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn trên, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.

Phó thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo UBND, Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời có mặt tại hiện trường chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn, bảo đảm tài sản và sức khỏe của hành khách đi tàu.

Ngày 25/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng với Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi) và Phạm Văn Vui (40 tuổi, cùng ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia) để điều tra hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vui và Hùng là nhân viên gác barie tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá).

Liên quan vụ việc, đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết cơ quan này đang khẩn trương điều tra và sẽ công bố nguyên nhân vụ tai nạn trong thời gian sớm nhất.

Hà Nội ra thang điểm đánh giá cán bộ hàng tháng

Theo quyết định vừa được Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ký ban hành, Thành ủy yêu cầu các cơ quan đưa ra thang điểm để đánh giá, xếp loại cán bộ, công viên chức hàng tháng.

 Ảnh minh họa.

Sẽ có thang điểm 100 làm căn cứ đánh giá, xếp loại, trong đó cụ thể bao gồm: 20 điểm về ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức; 70 điểm về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và 10 điểm thưởng.

Theo thang điểm này, các trường hợp đạt loại A (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) phải đạt 90 - 100 điểm; loại B (hoàn thành tốt nhiệm vụ) phải đạt từ 70 đến dưới 90 điểm; loại C (hoàn thành nhiệm vụ) nếu chỉ đạt từ 50 đến dưới 70 điểm. Trường hợp chỉ đạt được dưới 50 điểm sẽ bị xếp loại D (không hoàn thành nhiệm vụ).

Để đảm bảo tính thực chất, thành ủy cũng yêu cầu tỷ lệ được đánh giá, xếp loại A không quá 30% tổng số cán bộ công viên chức, lao động hợp đồng trong đơn vị. Trường hợp đặc biệt đối với các tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, nổi trội cũng không được vượt quá 40% tỷ lệ trên.

Thành ủy yêu cầu các đơn vị lấy căn cứ đánh giá hàng tháng để đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm. Ngoài ra, quan trọng hơn bảng đánh giá là cơ sở để bố trí sử dụng, quy hoạch, đề bạt, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức.

"Việc thực hiện của các đơn vị phải tuân thủ nghiêm, chính xác, liên tục và đúng thực chất…", yêu cầu của Thành ủy nêu rõ.

“Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn nữa”

Ngày 25/5, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Liên minh Châu Âu và Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu” (Meet Europe) 2018.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh Việt Nam cùng với các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu đã và đang tích cực đàm phán đi đến hoàn tất, để ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; và thêm một sự kiện quan trọng được nối tiếp, sau sự thành công của Chương trình “Ngôi làng Châu Âu” được tổ chức tại khu vực Tượng đài lý Thái tổ - hồ Hoàn Kiếm; đặc biệt hơn, các sự kiện này được tổ chức vào năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu.

Chủ tịch cho biết, Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ những giá trị văn hóa lâu đời nhất, lớn nhất của Việt Nam. Hà Nội mang trong mình sự giao thoa của nền văn hóa Á đông, với nét cổ kính, thơ mộng của kiến trúc châu Âu. Dấu ấn phát triển kinh tế thời hậu Lê của kinh thành Thăng Long xưa đã cho thấy từ thế kỷ XVII, XVII các hoạt động buôn bán giao thương giữa Việt Nam với các nước Châu Âu đã có các hoạt động ngoại thương sôi động nhất của các thương nhân người Hà Lan, Bồ đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Pháp đã lập các thương điếm tại Kẻ Chợ, khu vực phía bờ sông Hồng (gần cầu Long Biên ngày nay).

Hà Nội hiện là nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, DN đến từ châu Âu. Sau 15 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Hòa bình, Hà Nội được các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư, du khách ghi nhận về sự an toàn, thân thiện, mến khách, một thành phố văn minh quyến rũ, với những nét văn hóa đặc sắc, với nhiều món ẩm thực nổi tiếng.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, chúng tôi xác định tầm nhìn xây dựng một Thủ đô “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, TP Hà Nội đang tập trung vào ba khâu đột phá: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.

Thành phố xác định mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng DN. Hiện chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội đứng thứ 13, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội xếp thứ 2 cả nước, nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Nhờ đó, Hà Nội là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được các DN FDI ưu tiên lựa chọn. Năm 2016, năm 2017, TP đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,5 tỷ USD, đứng thứ 2 của Việt Nam.

Theo Chủ tịch, châu Âu được biết đến với một nền văn hóa đa dạng, cổ kính với nhiều công trình có kiến trúc cổ kính và hiện đại, nhiều tác phẩm nổi tiếng trong hội hoạ, âm nhạc, các hãng thời trang với các tên tuổi thương hiệu nổi tiếng. Qua các giai đoạn lịch sử, châu Âu vẫn giữ nguyên trong lòng mình những nét cổ điển và sang trọng và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới.

Châu Âu có một nền giáo dục phát triển đồng bộ; các trường đại học, viện nghiên cứu ở châu Âu từ lâu đã nổi tiếng với tiêu chuẩn giáo dục chất lượng xếp hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, sự đa dạng về ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ đã trở thành thứ ngôn ngữ phổ biến, là cầu nối gắn kết nhiều nước trên thế giới lại gần nhau.

Bên cạnh các hoạt động về đầu tư, thương mại, TP Hà Nội luôn chú trọng với các nội dung trong hợp tác với nước thành viên EU trên các lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng xanh, kinh tế, thương mại, đối ngoại, giao lưu nhân dân.

Thành phố Hà Nội luôn xác định công đồng DN của các quốc gia châu Âu là đối tác tin cậy trong quá trình hội nhập quốc tế và hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực để giúp thúc đẩy phát triển bền vững. Eurocham là cầu nối giữa Hà Nội với cộng đồng DN châu Âu.

Hà Nội mong muốn thu hút kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như: Đầu tư phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao; dịch vụ tài chính, dược phẩm, y tế, nghiên cứu khoa học, giáo dục, phát triển năng lượng tái tạo, kiểm soát và xử lý môi trường; quy hoạch đô thị; công nghệ mới, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng, trung tâm logistics, cơ sở hạ tầng phục vu du lịch, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, hợp tác trong việc thực hiện các giải pháp để xây dựng thành phố thông minh và các giải pháp chống biến đổi khí hậu làm hạt nhân trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn và kỳ vọng được hợp tác hiệu quả với các DN châu Âu trong việc quản lý đô thị, xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững, áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực môi trường, quản lý kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; gắn kết các sáng kiến trong đào tạo nghề, lao động chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm.