Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Cháy chung cư ở TP Hồ Chí Minh khiến 13 người chết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cháy chung cư ở TP Hồ Chí Minh khiến 13 người chết; Đề nghị mức án 18 - 19 năm tù đối với ông Đinh La Thăng; Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng cùng bị truy tố; Tổ chức Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải... là nội dung chú ý tuần qua.

Tổ chức Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Trong 2 ngày: 20 - 21/3, Lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ đã được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Tiêu điểm tuần qua: Cháy chung cư ở TP Hồ Chí Minh khiến 13 người chết - Ảnh 1
Tổ chức Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào tiếp tục đến viếng, gửi vòng hoa và chia buồn cùng gia đình đồng chí Phan Văn Khải.

Ngày 21/3, nhiều Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ các nước đã gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta cùng gia đình đồng chí Phan Văn Khải. Đặc biệt, Đoàn đại biểu Đảng nhân dân cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước do đồng chí Xay-xổm-phôn Phôm-vi-hản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước dẫn đầu đã đến viếng đồng chí Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh.

Tính đến hết ngày 21/3, có tổng số 2.046 đoàn với số lượng 108.000 người đến viếng đồng chí Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội và tại quê nhà; trong đó có 231 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế.

Lễ An táng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải diễn ra vào hồi 11 giờ cùng ngày tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Cháy chung cư ở TP Hồ Chí Minh, 13 người chết

Vào khoảng 1h30 sáng 23/3 đã xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại chung cư Carina Plaza, đường Võ Văn Kiệt, Q.8. Ngọn lửa xuất phát từ tầng hầm. Bị ngọn lửa thiêu đốt, nhiều mảng bê tông bị sụp xuống.

Cháy chung cư ở TP Hồ Chí Minh, 13 người chết

Hàng trăm người bị mắc kẹt bên trong la hét, kêu cứu. Những người dân chưa thoát thân được đã tìm cách chạy lên phía trên cao. Hàng trăm chiến sĩ PCCC cùng các xe cứu hỏa đã được điều động đến dập lửa và cứu nạn.

Thông tin từ Trung tâm cấp cứu 115 cho biết Trung tâm đã huy động 4 xe cấp cứu, ngoài ra còn có hơn 10 xe cấp cứu của Bệnh viện Triều An, Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Quận 6, Nhi đồng 1... liên tục chuyển bệnh nhân về các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Vụ cháy khiến 13 người chết, 28 người bị thương, hàng trăm xe máy và ô tô bị thiêu rụi.

Sáng 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện khẩn gửi cơ quan chức năng liên quan đến vụ cháy chung cư Carina Plaza. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân, thân nhân người bị nạn.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị tử vong và bị thương; tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, đặc biệt là các khu chung cư cao tầng có đông dân cư sinh sống, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đề nghị mức án 18 - 19 năm tù đối với ông Đinh La Thăng
Trong phiên tòa hôm 22/3, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị mức án 18 - 19 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng do phạm tội cố ý làm trái.
Đề nghị mức án 18 - 19 năm tù đối với ông Đinh La Thăng. 

Bị cáo còn bị cáo buộc có hành vi che giấu sai phạm khi gọi điện tác động, yêu cầu các thành viên HĐTV của PVN xác nhận việc có bàn bạc, thống nhất chủ trương góp vốn vào OceanBank.

Theo Viện KSND (VKS) TP Hà Nội, bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN đã có hành vi ký Thỏa thuận hợp tác số 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) OceanBank, nhưng không thông qua HĐTV; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Bị cáo Thăng là người quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện và với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN, phải chịu trách nhiệm chính khi để PVN thiệt hại 800 tỷ đồng.

Các mức án đề nghị với những bị cáo khác: Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) 30 - 36 tháng tù; Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN) 24 - 26 năm tù; Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN) 7 - 8 năm tù.

Nguyễn Xuân Liêm (nguyên thành viên HĐTV) 24 - 30 tháng cải tạo không giam giữ; Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN) 24 - 30 tháng tù; Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) 24 - 30 tháng cải tạo không giam giữ.

Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng cùng bị truy tố
Ngày 22/3, VKSND Tối cao đã phát hành và tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng, VNCB).
Ông Đặng Thanh Bình - Ảnh: Website Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Tại NHNN ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.

Kết quả điều tra xác định, vào tháng 8/2012 ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình chính phủ về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng và đã được chính phủ chấp thuận chủ trương.

Xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này. Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.

Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt.

Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.

Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 9000 tỷ đồng.

Không chỉ ông Đặng Thanh Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB mà một số thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ.

Cụ thể, các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB được giao nhiệm vụ, quyền hạn và chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm và yêu cầu ngân hàng này báo cáo, cung cấp tài liệu, làm việc với mọi cán bộ có thẩm quyền, đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ, đối tác…

Tổ giám sát cũng có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ những hoạt động không đúng pháp luật, giám sát trước khi chuyển tiền đối với những giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên.

Nhưng các bị can đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB bằng các hành vi phạm tội để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Công bố kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG
Sáng 23/3, Thanh tra Chính phủ đã công bố toàn văn kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG dài 33 trang, dưới sự chủ trì của ông Bùi Ngọc Lam - Phó tổng Thanh tra Chính phủ.
 Công bố kết luận thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG 

Theo nội dung được công bố, Thanh tra Chính phủ kết luận những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã dẫn tới nguy cơ thiệt hại vốn Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết dù còn một số khác biệt với Thanh tra Chính phủ nhưng Bộ này sẽ nghiêm túc triển khai kết luận theo quy định.

Ông Hải kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn để Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện triển khai theo kết luận.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch HĐTV Mobifone là ông Lê Nam Trà vẫn khẳng định: "Mobifone mua AVG theo đúng chức năng nhiệm vụ". Tuy nhiên, ông Lê Nam Trà cho biết "sẽ nghiêm túc chấp hành kết luận thanh tra".

Theo ông Trà, sau khi Mobifone có giải trình, kết luận thanh tra cũng đã ghi nhận và có nhiều thay đổi so với dự thảo. Dù vậy vẫn còn một số nội dung Mobifone sẽ giải trình bằng văn bản.

"Đây là nhiệm vụ chính trị và kinh tế, thực hiện theo phê duyệt về chiến lược kinh doanh truyền hình của Mobifone và được Bộ Thông tin - Truyền thông quyết định phê duyệt... Chúng tôi mong muốn được xem xét nguyên nhân bối cảnh thực hiện để từ đó hiệu quả sản xuất kinh doanh được xem xét trong bối cảnh chung như vậy", ông Lê Nam Trà nói.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo.

Thanh tra Chính phủ đánh giá đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng và kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công An tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG để xem xét khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.