Kết luận sai phạm vụ Mobifone mua AVG
Theo tin từ Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ), từ ngày 28 đến 30/5, UBKTTƯ đã họp kỳ 26 xem xét, kết luận một số nội dung. Đáng chú ý, trong đó có vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG (gọi tắt là AVG).
Theo đó, UBKTTƯ đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng (BCSĐ) Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Qua kiểm tra cho thấy:
Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Thông tin và truyền thông chấp hành chưa nghiêm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc;
Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để Bộ Thông tin và truyền thông và Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật trong việc thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án trên.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo trả lời báo chí về vụ MobiFone mua AVG vào chiều 2/6. Ảnh: THẾ DŨNG |
Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư BCSĐ, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ông Nguyễn Bắc Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể BCSĐ, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến dự án không đúng quy định;
Ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện dự án, để xảy ra nhiều vi phạm.
Ông Trương Minh Tuấn, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư BCSĐ, bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông: trong thời gian giữ cương vị ủy viên BCSĐ, thứ trưởng, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ông Trương Minh Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án; ký quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21/12/2015 của Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.
Với cương vị bí thư BCSĐ, bộ trưởng từ tháng 4/2016 đến nay, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Phạm Hồng Hải, ủy viên BCSĐ, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021.
Ông Phạm Hồng Hải đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện dự án; trực tiếp ký một số văn bản liên quan đến dự án có nội dung trái quy định.
Ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và truyền thông có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án.
Cùng với tập thể và các cá nhân nêu trên, qua kiểm tra, UBKT trung ương đã kết luận:
Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng công ty Mobifone có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án.
Ông Lê Nam Trà, nguyên bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Mobifone, có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, chịu trách nhiệm chính trong việc HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Ông Cao Duy Hải, phó bí thư Đảng ủy, thành viên HĐTV, tổng giám đốc Tổng công ty Mobifone, có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho HĐTV Tổng công ty trình Bộ Thông tin và truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Những vi phạm của BCSĐ Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng;
Vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và truyền thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm trong dự án này có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh Bình Dương.
UBKT trung ương yêu cầu BCSĐ, Đảng ủy và lãnh đạo các cơ quan nêu trên kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT trung ương.
Ủy ban Kiểm tra có quyền đề nghị kê biên tài sản đảng viên
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 01 cụ thể hóa trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác phòng chống tham nhũng.
Thay mặt Bộ Chính trị, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư vừa ký Quy định số 01-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Ông Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư - Ảnh: T.L |
Quy định gồm có 4 Chương, 8 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc thực hiện, trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra về phòng ngừa tham nhũng; phát hiện vi phạm về tham nhũng; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo và xử lý hành vi tham nhũng; trách nhiệm của cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra trong tổ chức thực hiện.
Về phạm vi điều chỉnh, văn bản này quy định trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra từ cấp huyện và tương tương trở lên trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Quy định đề ra 4 nguyên tắc thực hiện gồm: Ủy ban Kiểm tra phải chủ động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng;
Coi trọng công tác phòng ngừa, khi phát hiện đảng viên có hành vi tham nhũng phải kiểm tra, xem xét và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời;
Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, không có "vùng cấm"; Xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên có hành vi dung túng, bao che tham nhũng hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc tham nhũng.
Ủy ban Kiểm tra được trưng tập cán bộ các cơ quan đảng và nhà nước vào các đoàn kiểm tra; khi cần thiết báo cáo cấp ủy chỉ đạo việc thành lập các đoàn kiểm tra đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp.
Có biện pháp bảo đảm bí mật thông tin; bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, phản ảnh, tố cáo về tham nhũng; xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi trù dập, trả thù người phát hiện, phản ánh, tố cáo về tham nhũng.
Đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng theo thẩm quyền; khi cần thiết báo cáo đề nghị cấp ủy đình chỉ hoặc yêu cầu đình chỉ chức vụ đối với đảng viên hoặc yêu cầu tạm đình chỉ công tác cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng.
Có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.
Yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.
Quá trình kiểm tra, được niêm phòng tài liệu liên quan đến vi phạm; trường hợp cần thiết, yêu cầu đảng viên đến cơ quan Ủy ban Kiểm tra giải trình làm rõ các vấn đề liên quan.
Về xử lý hành vi tham nhũng, văn bản quy định ủy ban kiểm tra có trách nhiệm và thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật tổ chức đảng viên vi phạm theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nghiệm vì liên tiếp có tai nạn đường sắt
Chiều 28/5, Bộ GTVT tổ chức họp kiểm điểm và xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến những vụ TNGT đường sắt xảy ra liên tiếp.
Sau khi nghe báo cáo tình hình và kiểm điểm sau tai nạn từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị chuyên ngành trực thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có những chỉ đạo cụ thể, trực tiếp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nghiệm vì liên tiếp có tai nạn đường sắt |
Người đứng đầu Bộ GTVT đã lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm vì để xảy ra các vụ TNGT những ngày qua. “Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý ngành GTVT, tôi xin lỗi các nạn nhân và gia đình nạn nhân trong các vụ TNGT đường sắt đã xảy ra. Tôi xin nhận trách nhiệm về sự việc. Tôi xin nhận mọi hình thức kỷ luật từ Đảng và Nhà nước” - ông Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tổ chức rà soát và làm rõ về các vụ việc, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, trong đó có trách nhiệm cụ thể của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có nhiệm vụ trực tiếp nhưng để xảy ra TNGT.
“Đình chỉ công tác những cá nhân, tập thể có liên quan trực tiếp đến các vụ TNGT vừa xảy ra và có hình thức xử lý kỷ luật đúng người, đúng vi phạm” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiên quyết.
Đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm nội bộ, làm rõ trách nhiệm từ Chủ tịch, Giám đốc, những cá nhân liên quan đến các vụ TNGT đường sắt.
Theo ông Thể, các vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân chủ yếu là do con người, do yếu tố chủ quan. Vì vậy phải phân tích làm rõ, rà soát và có giải pháp giải quyết dứt điểm. Cùng đó, phải nghiên cứu áp dụng công nghệ kỹ thuật vào vận hành, khai thác và vào hoạt động cứu hộ tai nạn.
Bộ Công an truy nã cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy
Ngày 31/5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với cựu Tổng Giám đốc Cty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) Vũ Đình Duy.
Bộ Công an truy nã cựu Tổng giám đốc PVTex Vũ Đình Duy |
Vũ Đình Duy (SN 26/9/1975, tại Thái Bình), nguyên Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), bị khởi tố về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 và “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015; trốn ngày 22 tháng 10 năm 2016.
Theo cơ quan An ninh điều tra, căn cứ Quyết định khởi tố bị can, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can ngày 29 tháng 5 năm 2018 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Vũ Đình Duy, sau khi xác minh kết luận bị can Vũ Đình Duy đã bỏ trốn, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với cựu Tổng Giám đốc này.
Liên quan đến vụ án này, trước đó cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố 5 bị can, ra Lệnh bắt tạm giam 4 bị can và lệnh khám xét đối với 5 bị can, gồm: Trần Trung Chí Hiếu, cựu Chủ tịch HĐQT PVTex; Vũ Đình Duy, cựu Tổng Giám đốc PVTex; Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTex; Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTex; Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC.KBC về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự (riêng Bị can Đỗ Văn Hồng đã bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty PVC và PVC.KBC).
Trước đó, liên quan đến những sai phạm của Vũ Đình Duy, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã triển khai việc khai trừ Đảng đối với Vũ Đình Duy, niêm phong đồ đạc tại văn phòng làm việc của ông này. Hiện vụ án đang được cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ.