Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Khởi tố, bắt giam một loạt lãnh đạo Petro Vietnam

Hà Thanh - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi tố, bắt giam một loạt lãnh đạo Petro Vietnam; Bộ Y tế trả lời về việc em chồng Bộ trưởng làm ở VN Pharm; Bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu ngay từ ngày 1/9... là nội dung chú ý tuần qua.

Khởi tố, bắt giam một loạt lãnh đạo Petro Vietnam

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa công bố thông tin về việc điều tra mở rộng (giai đoạn 2) vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ocean Bank và đồng phạm.

Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam); Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, hiện là Phó tổng giám đốc Petro Vietnam; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên Hội đồng Thành viên Petro Vietnam đã có hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc Petro Vietnam góp vốn điều lệ vào Ocean Bank.

 

Ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can 5 đối tượng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, được quy định tại điều 165 - Bộ luật Hình sự đối với Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra lệnh bắt bị can để tạm giam hai đối tượng gồm Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Thắng; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú hai đối tượng gồm Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường; đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc các đối tượng nêu trên.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Ngày 1/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tống đạt, quyết định khởi tố đối với ông Nguyễn Xuân Sơn, sinh năm 1962; khởi tố bị can, lệnh bắt, khám xét đối với ông Ninh Văn Quỳnh, sinh năm 1958; khởi tố ông Nguyễn Xuân Thắng, sinh năm 1955; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1955, và ông Vũ Khánh Trường, sinh năm 1954.

Bộ Công an cho biết, quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng đối với những đối tượng nêu trên được thực hiện theo quy định tại điều 80 và điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự. Các bị can bị bắt tạm giam đã được dẫn giải về trại tạm giam của Bộ Công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng cho biết đang tập trung lực lượng điều tra làm rõ, mở rộng triệt để các đối tượng và đồng phạm liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Bộ Y tế trả lời về việc em chồng Bộ trưởng làm ở VN Pharma
Chiều 30/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8/2017, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Tại cuộc họp báo, thông tin liên quan đến Công ty VN Pharma tiếp tục nhận được sự quan tâm đông đảo của báo chí. Có mặt tại họp báo, trả lời câu hỏi về việc Tổng Giám đốc VN Pharma có khẳng định với báo chí là em chồng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là Phó Giám đốc VN Pharma, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ trưởng không nói chứ không phải nói không có em chồng làm việc tại VN Pharma. Theo quy định thì người thân của lãnh đạo đảm nhiệm chức vụ không được tham gia tại các DN thuộc quyền quản lý của người này chỉ bao gồm bố, mẹ, vợ, chồng, con chứ không đề cập đến các đối tượng như em chồng.

  Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.

“Bản thân tôi chưa bao giờ hỏi Bộ trưởng về việc này. Bộ trưởng cũng chưa bao giờ trao đổi, báo cáo trong Ban Cán sự Đảng bộ Y tế”, Thứ trưởng Tiến nói.

Trả lời câu hỏi về việc vụ việc Công ty VN Pharma cho thấy lỗ hổng rất lớn trong quản lý của Bộ Y tế. Vụ việc này khiến người dân vô cùng bất an và hoang mang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, về vấn đề thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng, các cơ quan chức năng đã có kết luận theo thẩm quyền về việc này.

Xét về góc độ chuyên ngành, Bộ Y tế khẳng định thuốc H-Capita không phải là thuốc giả vì: Vụ việc xảy ra năm 2014, khi Luật Dược 2005 đang có hiệu lực (Luật Dược 2016 có hiệu lực từ 1/1/2017). Theo quy định tại Khoản 24 Điều 2 Luật Dược 2005 thì thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: Không có dược chất (Thuốc H-Capita có dược chất Capecitabine); có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký (hàm lượng dược chất theo kết quả giám định là 97,5% trong khi tiêu chuẩn chất lượng cho phép không thấp hơn 93% và không lớn hơn 105%); có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn (Thuốc H-Capita có chứa dược chất Capecitabine như ghi trên nhãn); mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác (Thuốc H-Capita không mạo tên hay kiểu dáng công nghiệp của thuốc nào đã đăng ký sở hữu công nghiệp của cơ sở khác).

Khoản 23 Điều này quy định “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”.

Kết luận giám định cho thấy thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng vì có kết quả kiểm nghiệm tạp không định danh lớn nhất là 0,17% trong khi phải thấp hơn 0,1%; màu sắc viên thực tế là màu hồng, không giống với màu viên trong tiêu chuẩn là màu đỏ, do đó không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký. Căn cứ Khoản 23 Luật Dược 2005, kết luận giám định lô thuốc là kém chất lượng là hoàn toàn phù hợp với quy định.

Kết quả giám định thuốc H-Capita theo Kết luận số 31/KL-BYT ngày 22/4/2015 về việc giám định lô thuốc có nhãn mác H-Capita 500 mg caplet phục vụ công tác điều tra vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh tại Công ty cổ phần VN Pharma thì các chỉ tiêu định tính (nhằm xác định có dược chất capecitabin trong viên thuốc hay không), độ hòa tan của thuốc, định lượng (xác định hàm lượng dược chất có trong viên thuốc), tạp A, tạp B, tạp C, tổng tạp không định danh và tổng tạp: đạt yêu cầu chất lượng.

Các chỉ tiêu Mô tả màu sắc viên (thực tế: màu hồng, tiêu chuẩn: màu đỏ) và Tạp chất liên quan (kết quả 0,17%, tiêu chuẩn: <0,1%): không đạt yêu cầu. Như vậy, thuốc H-Capita không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 24 Luật Dược 2005, do đó, không phải là thuốc giả.

Bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu ngay từ ngày 1/9
 
Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định về việc bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1/9/2017.
Trước đó, ngày 16/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1203/QĐ-TTg miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Bộ Công Thương cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bà Hồ Thị Kim Thoa là công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Bà Hồ Thị Kim Thoa không còn là đối tượng nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 53/2015/NĐ-CP ngày 29/5/2015 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ công chức.
Theo quy định tại Luật Cán bộ công chức, bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, bà Hồ Thị Kim Thoa đã đủ điều kiện để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Cựu TGĐ Oceanbank từ chối điểm danh "sếp" nhận tiền lễ tết
 
Làm rõ tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” của cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn, HĐXX vụ đại án Oceanbank ngày 30/8 đã truy vấn về số tiền gần 69 tỷ đồng Hà Văn Thắm đưa cho Sơn để “chăm sóc khách hàng”.
Theo cáo trạng, trong hành vi sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng để chi cho các cá nhân là lãnh đạo của Hội sở Oceanbank và lãnh đạo các Chi nhánh, Nguyễn Xuân Thắng nguyên Giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank nhận hơn 226 tỷ đồng và Võ Việt Trung - Phó Tổng Giám đốc Oceanbank nhận hơn 20 tỷ đồng để chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn theo yêu cầu chi “chăm sóc khách hàng” cho tiền gửi của PVN, các tổng công ty, công ty con.
Hà Văn Thắm cũng xác nhận đã đưa cho Nguyễn Xuân Sơn 69 tỷ đồng lấy từ Oceanbank. Đáp lại, Nguyễn Xuân Sơn khai, bị cáo đã chi chăm sóc khách hàng 200 tỷ đồng, gồm các khoản chi như: các đoàn ngoại giao, chi ông Quỳnh khoảng 30-40 tỷ đồng, chi cho các lãnh đạo khác của PVN, các doanh nghiệp như Vietsopetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, chi các lãnh đạo vào dịp Tết.
Khai rõ về khoản tiền “lễ tết”, Nguyễn Xuân Sơn cho biết, mức chi theo tỉ lệ từ to đến nhỏ, mỗi kỳ chi khoảng chục tỷ đồng, mỗi người khoảng 50-200 triệu đồng. Theo cựu Tổng Giám đốc Oceanbank, việc chi tiền này là “tấm lòng của doanh nghiệp đối với lãnh đạo”.
Khi bị truy tên những lãnh đạo đã nhận tiền “lễ tết”, Nguyễn Xuân Sơn từ chối nêu tên dù HĐXX cho phép bị cáo viết tường trình nếu ngại. Không tiết lộ cụ thể nhưng bị cáo cũng cho biết, khoản chi “lễ tết” này mỗi năm khoảng 30-50 tỷ đồng.
Khởi tố bị can nhắn tin đe dọa Chủ tịch TP Đà Nẵng
 

Ngày 30/8, Cơ quan điều tra cho biết đã khởi tố Đào Tấn Cường về tội 'Đe doạ giết người', theo Điều 133 - Bộ Luật hình sự 2015.

Trước đó, tối 19/8, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Đào Tấn Cường - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng có hành vi nhắn tin đe doạ đến số điện thoại của của ông Huỳnh Đức Thơ.

Ngày 20/8, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ đã trả lời báo chí, ông rất bất ngờ khi người nhắn tin đe doạ là ông Cường, và ông Cường là người thân của một cán bộ ở Thành uỷ Đà Nẵng. Cũng theo ông Thơ, gia đình và bản thân ông không có mâu thuẫn với Đào Tấn Cường.

Theo cơ quan điều tra, nội dung của những tin nhắn mà ông Cường gửi đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ có những lời lẽ ám chỉ sẽ gây ra việc nguy hiểm đến cá nhân ông Thơ và người thân trong gia đình ông.