Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Tổ chức thành công hội nghị GMS 6 và CLV 10

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam tổ chức thành công hội nghị GMS 6 và CLV 10; Tổng Bí thư kết thúc chuyến thăm Cuba và Pháp; Ông Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ; Sẽ khởi tố bị can vụ cháy chung cư Carina... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam tổ chức thành công hội nghị GMS 6 và CLV 10

 Việt Nam tổ chức thành công hội nghị GMS 6 và CLV 10

Trong 3 ngày từ 29 và 31/3, Hội nghị hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 10 (CLV 10) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.

Đây là một trong những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018 có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, DN và gần 300 phóng viên các cơ quan báo chí.

Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, mang ý nghĩa kỷ niệm 25 năm thành lập hợp tác GMS; Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6 xác định hướng đi cho hợp tác nhằm xây dựng khu vực Mê Công thịnh vượng, hội nhập và phát triển bền vững.

Hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo: Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Thái-lan và đại diện các tổ chức quốc tế như Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Thư ký ASEAN …

Hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi về tăng cường hợp tác đầu tư, kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nổi bật trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh GMS năm nay là Diễn đàn Thượng đỉnh DN GMS. Đây là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại GMS, là sáng kiến của Việt Nam nhằm mục tiêu tăng cường đối thoại giữa DN và Nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều phiên thảo luận chuyên đề tại hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, học giả, các tổ chức tài chính và doanh nhân trong khu vực.

Trong khi đó, Hội nghị Cấp cao CLV 10 với sự tham dự của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tiến hành rà soát tình hình thực hiện “Quy hoạch tổng thể về Phát triển kinh tế xã hội khu vực CLV giai đoạn 2010 - 2020”; thảo luận định hướng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt là việc tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế.

Hội nghị lần này là dịp để Việt Nam khẳng định cam kết và đóng góp của mình vào các cơ chế hợp tác Mê Công nói chung và CLV nói riêng, đồng thời, thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư kết thúc chuyến thăm Cuba và Pháp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Sáng 1/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 25 - 27/3 và thăm cấp nhà nước Cộng hòa Cuba từ ngày 28 - 30/3.

Tại Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron; hội kiến Thủ tướng Édouard Philippe, Chủ tịch Quốc hội Francois De Rugy, Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher; thăm không gian Hồ Chí Minh tại thành phố Montreuil, thành phố Choisy Le Roi - nơi diễn ra các cuộc đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam 45 năm trước; tiếp các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp; gặp gỡ trí thức trẻ Việt kiều tại Pháp…

Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên tập trung trao đổi ý kiến sâu rộng về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm xác lập khuôn khổ, định hướng và tạo động lực mới làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước.

Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi nước; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất là về vấn đề an ninh ở khu vực.

Hai bên cùng cho rằng phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và cần phát huy vai trò trách nhiệm của các quốc gia, vì an ninh và phát triển ở khu vực.

Trong thời gian thăm Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Bí thư thứ nhất, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Raul Castro Ruz; có các cuộc gặp, trao đổi với Bí thư thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, José Ramón Machado Ventura; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernández; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Díaz-Canel Bermudez.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Anh hùng dân tộc Cuba José Martí và tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm thành phố Santiago De Cuba; thăm Lăng mộ José Martí và viếng mộ Tổng Tư lệnh Cách mạng Cuba Fidel Castro Ruz; thăm Trường tiểu học Võ Thị Thắng; gặp và phát biểu với đại diện thế hệ trẻ hai nước…

Qua hội đàm, hội kiến, hai bên tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam và Cuba là biểu tượng của thời đại và là tài sản vô giá của hai Đảng và nhân dân hai nước.

Hai bên quyết tâm tiếp tục kế thừa và phát huy di sản trường tồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Fidel Castro, những người tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, gắn kết hai dân tộc Việt Nam - Cuba; cho rằng việc mở rộng, thắt chặt và làm sâu sắc mối quan hệ đoàn kết, anh em và hợp tác toàn diện giữa giữa hai nước nhằm đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển tại mỗi khu vực và trên thế giới.

Nhân chuyến thăm, hơn 40 văn bản, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác đã được ký kết giữa Việt Nam - Pháp, Việt Nam - Cuba, tạo cơ sở cho quan hệ giữa Việt Nam và hai nước nói trên phát triển mạnh mẽ hơn, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ôg Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.
Sau hai tiếng đọc bản án, chiều 29/3 TAND Hà Nội tuyên bị cáo Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí - PVN) 18 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).
Cùng tội danh, ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu phó tổng giám đốc) bị phạt 30 tháng tù, Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng) 7 năm tù. Các cựu thành viên Hội đồng Thành viên PVN là Vũ Khánh Trường bị phạt 5 năm, Phan Đình Đức 15 tháng cải tạo không giam giữ, Nguyễn Thanh Liêm 22 tháng cải tạo không giam giữ, Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù.
Riêng ông Ninh Văn Quỳnh còn bị phạt 16 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999). Tổng hợp mức án là 23 năm.
Toà án cho rằng ông Thăng phải nhận hình phạt cao hơn các bị cáo khác "mới là phù hợp". Ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng cho PVN, ông Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ, ông Vũ Khánh Trường 40 tỷ, các bị cáo còn lại mỗi người 15 tỷ.
Ngoài ra, tòa cho rằng về nguyên tắc ông Quỳnh phải bồi thường 20 tỷ cho Oceanbank nhưng bản án sơ thẩm cuối năm 2017 đã tuyên ông Sơn bồi thường 197 tỷ cho Oceanbank nên tòa tuyên ông Quỳnh trả 20 tỷ cho ông Sơn. Do bản án này bị các bị cáo chống án, ông Sơn chưa bồi thường cho Oceanbank nên 20 tỷ sẽ tiếp tục bị thu giữ.
Các ông, bà Nguyễn Ngọc Sự (cựu phó tổng giám đốc PVN), Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hòa (cựu thành viên HĐTV), Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN) được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định hành vi phạm tội.
Nhưng căn cứ kết quả điều tra, VKSND Tối cao thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm cần tiếp tục điều tra làm rõ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó đã có quyết định tách hành vi của những người nêu trên để tiếp tục điều tra làm rõ. Bản án tuyên hôm nay cũng đề nghị tiếp tục điều tra.
Theo luật sư, án sơ thẩm 18 năm tù do TAND Hà Nội vừa tuyên, nếu cộng với bản án 13 năm tù trong vụ Cố ý làm trái xảy ra tại PVN và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) tuyên cuối tháng 1, nếu hai phiên toà sơ thẩm giữ nguyên hình phạt thì ông Thăng phải thi hành tổng cộng 30 năm tù (theo luật, tổng mức án không được quá 30 năm tù).
Tổng số tiền ông Thăng phải bồi thường dân sự ở cả hai vụ là hơn 600 tỷ đồng. Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, ông Thăng sẽ phải thi hành ít nhất một phần ba bản án (10 năm tù) mới được xét giảm án.
Đi kèm với thi hành án giam, nếu ông Thăng bồi thường dân sự trong thời gian thi hành án thì đây sẽ là tình tiết xét giảm thời gian thi hành án. Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể bồi thường bao nhiêu tiền thì được giảm án.
Sẽ khởi tố bị can vụ cháy chung cư Carina

 Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc cảnh sát PCCC TPHCM trả lời báo chí. Ảnh Tiền phong

Ngày 29/3, tại cuộc họp báo của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2018, trả lời về vụ cháy chung cư Carina Plaza làm 13 người chết, đại tá Nguyễn Minh Thông - Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, khẳng định đã khởi tố vụ án và “chắc chắn vụ án phải có bị can bị xử lý nghiêm trước pháp luật”.
Đại tá Nguyễn Minh Thông cho biết, về vụ cháy chung cư Carina, Cơ quan CSĐT đã quyết định khởi tố vụ án nhằm làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. "Việc xử lý cần có thời gian nhưng chắc chắn vụ án phải có bị can và bị xử lý nghiêm trước pháp luật”, ông Thông cho hay.
Đại tá Nguyễn Minh Thông khẳng định cơ quan điều tra cần phải làm rõ mối quan hệ zích-zắc giữa các Công ty thuê, ký hợp đồng dịch vụ tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP.HCM), thu thập thêm dữ liệu chứng cứ cụ thể hóa từng hành vi của những cá nhân có liên quan để làm rõ trách nhiệm các cá nhân trong vụ án này.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Chủ đầu tư của chung cư Carina Plaza là Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Hùng Thanh (gọi tắt Công ty Hùng Thanh có trụ sở đặt tại tầng 3 Block B chung cư Carina Plaza). Công ty Hùng Thanh ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sài Gòn (gọi tắt Công ty địa ốc Sài Gòn) để quản lý, vận hành tòa nhà. Công ty địa ốc Sài Gòn lập ban quản lý, điều hành chung cư. Do đó, Ban quản lý chung cư không phải là của Công ty Hùng Thanh mà do Công ty địa ốc Sài Gòn thành lập. Từ khi thành lập đến lúc vụ cháy xảy ra, Ban quản lý chung cư đã 3 lần thay đổi trưởng ban.
Về trách nhiệm của Công ty địa ốc Sài Gòn, ông Thông cho biết sau khi ký hợp đồng thành lập Ban Quản lý chung cư, Công ty địa ốc Sài Gòn lại ký hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH DV Bảo vệ Gia Khang để thực hiện dịch vụ bảo vệ và giữ xe.
Lãnh đạo Cơ quan điều tra cho biết sắp tới sẽ làm rõ nghi vấn vì sao tất cả các chung cư, trong đó chung cư Carina Plaza có cầu thang thoát hiểm và cửa chống khói nhưng khi vụ cháy xảy ra, khói tràn lên các tầng trên khiến 11/13 người chết vì ngạt khói.
Ngoài ra, đại tá Thông còn cho biết qua công tác khám nghiệm hiện trường cho thấy, hệ thống báo cháy tự động có âm thanh nhưng không hoạt động, hệ thống phun nước chữa cháy tự động cũng không hoạt động. Hệ thống máy bơm bù áp cũng không hoạt động.
Đáng lưu ý, chung cư có bộ phận bảo vệ trực ở tất cả các điểm, trong đó có điểm trực an ninh PCCC. Nơi đây có màn hình quan sát tất cả các camera ở chung cư và theo quy định thì phải có người trực. Tuy nhiên, trong thời gian 13 phút 8 giây từ khi xuất hiện điểm phát cháy đầu tiên đến khi lửa bùng lên, khu vực tầng hầm xảy ra cháy không có người túc trực.
Trước đó, vụ cháy chung cư Carina vào rạng sáng ngày 23/3 xảy ra vụ cháy tại chung cư Carina đường Võ Văn Kiệt phường 16, quận 8, TP. HCM khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Hà Nội sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập
TP Hà Nội vừa lên kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, các DN nhà nước thuộc TP.
 Hà Nội sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh minh họa
Theo đó, TP sẽ tiếp tục rà soát, cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả theo tiêu chí một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao tập trung chuyển sang cơ chế tự chủ hoặc chuyển sang công ty cổ phần.
TP Hà Nội xác định, trong lĩnh vực giáo dục, sẽ rà soát, thu gọn lại các điểm trường. Rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non; tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Với lĩnh vực LĐ-TB&XH, TP nghiên cứu sáp nhập trường trung cấp vào trường CĐ; giải thể các trường hoạt động không hiệu quả. Nghiên cứu tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng; hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng.
Hà Nội cũng sẽ sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp TP thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép.
Thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác...
Với lĩnh vực thông tin truyền thông, đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025 đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.
TP cũng tiếp tục hoàn thành sắp xếp 5 công ty thủy lợi trên địa bàn TP thành 4 công ty và phân chia lại địa bàn quản lý. Tổ chức lại Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện các bước cổ phần hóa doanh nghiệp theo lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc thành phố.

Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Quý I/2018
 UBND TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II năm 2018

Sáng 30/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến UBND thành phố quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 4 và quý II năm 2018.

Cùng dự tại điểm cầu UBND thành phố còn có hai Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, Lê Hồng Sơn; lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2018. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,98% - cao hơn mức cùng kỳ 2017 (6,48%); các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp đều tăng cao hơn mức cùng kỳ 2017.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 12,4%(cùng kỳ 7,5%); Thị trường ổn định, Tết Mậu Tuất không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến;chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,54%, thấp hơn cùng kỳ 5%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 3,15 tỷ USD,tăng 16,9%. Kim ngạch nhập khẩu7,92 tỷ USD, tăng 15,1%.

Du lịch tiếp tục phát triển, tổng khách du lịch ước đạt 6,7 triệu lượt, tăng 9% (cùng kỳ 7%); trong đó: khách quốc tế 1,58 triệu lượt, tăng 21% (cùng kỳ10%), khách quốc tế có lưu trú 1,14 triệu lượt, tăng 22% (cùng kỳ 9,4%). Doanh thu từ khách du lịch ước đạt 19,91 nghìn tỷ đồng, tăng 8%.

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi; cây trồng sinh trưởng tốt; chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Kế hoạch xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện ngay từ đầu năm; đang tổ chức thẩm tra, chấm điểm tiêu chí NTM và hoàn thiện thủ tục công nhận 39 xã đạt chuẩn NTM năm 2017, nâng tổng số lên 294 xã, đạt 76,2%.

Trong quý I/2018, môi trường đầu tư của TP tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Chỉ số PCI năm 2017 tăng 1 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố - cao nhất từ trước đến nay.

Đầu tư xã hội đạt 54.664 tỷ đồng, tăng 9,5%. Đã phê duyệt chủ trương 11 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư 11,34 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 11 dự án, số vốn tăng 1,44 nghìn tỷ đồng; thu hút 400 triệu USD vốn đầu tư FDI; cấp mới 5.010 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn 47,9 nghìn tỷ đồng (giảm 13% về lượng nhưng tăng 8% về vốn).

Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 1,76% so với 31/12/2017, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và vốn cho sản xuất, kinh doanh; dư nợ cho vay tăng 2,04%. Nợ quá hạn được kiểm soát còn 2,8% tổng dư nợ.

Thu NSNN trên địa bàn ước đạt 58.088 tỷ đồng, bằng 24,4% dự toán, tăng 12,3% so với cùng kỳ.Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 10.779 tỷ đồng, bằng 11,3% dự toán.

Quý II/2018, để thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, UBND TP đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả 188 nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 34/CTr-UBND của UBND Thành phố về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ đề năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.Chuẩn bị tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ.

TP cũng tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; trong đó, tập trung vào nhóm chỉ số xếp hạng về cạnh tranh PCI còn thấp “Chi phí không chính thức”; chỉ số sếp hạng về cải cách hành chính công PAPI.

Tổ chức tốt Hội nghị thường niên về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh kinh tế tư nhân.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối cung - cầu, hỗ trợ giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh.Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư; chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Đảm bảo điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt mùa hè.

Quý II/2018, TP tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Ban Chỉ đạo 197; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, khu dân cư thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ; thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn.

Tổ chức tốt các sự kiện văn hóa nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng;chuẩn bị tốt cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII.Duy trì và mở rộng các dịch vụ trên hệ thống “Một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã áp dụng.

TP sẽ rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp; đầu tư, nâng cấp trường học đạt chuẩn; thúc đẩy hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh các lớp đầu cấp, thi đại học và cao đẳng.