Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm chìa khóa mở cửa thị trường quốc tế cho trái cây Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để trái cây Việt vươn ra thị trường thế giới, bên cạnh động thái tích cực đàm phán của cơ quan chức năng còn đòi hỏi DN phải chú ý đến các xu hướng tiêu dùng, chuyên nghiệp hơn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Vẫn còn cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%...

Riêng mặt hàng rau quả lại giảm 13,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,47 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc khi quốc gia này đang siết chặt kiểm soát Covid-19 gây ùn ứ hàng hóa, làm chậm tiến độ xuất khẩu. Ngoài ra Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, trong đó tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói… Những điều này đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản 2021
Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản 2021

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc, nhưng nhiều thị trường quốc tế đang ưa chuộng các sản phẩm trái cây Việt mở ra thêm cơ hội tăng kim ngạch. Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nêu rõ, hiện Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thành công 3 loại quả tươi như thanh long, xoài, vải.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được người tiêu dùng nước sở tại đón nhận. Hiện tổng giá trị trái cây tươi giao dịch trên toàn cầu lên đến 240 tỷ USD/năm, sản phẩm chế biến từ trái cây khoảng 270 tỷ USD/năm. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trung bình mỗi năm của Việt Nam chỉ chiếm 1% nhu cầu toàn cầu.

Điều đó cho thấy, dư địa cho ngành trái cây tăng kim ngạch xuất khẩu còn khá lớn, bởi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên mặt hàng trái cây Việt Nam được hưởng lợi, bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Muốn mở cửa các thị trường lớn cần nâng chất lượng

Trong bối cảnh trái cây Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng để làm được điều này đòi hỏi phải chú trọng nâng cao chất lượng qua đó vượt qua hàng rào kỹ thuật, tiếp cận thị trường quốc tế.

Tuần hàng Việt Nam tổ chức tại Singapore 2021
Tuần hàng Việt Nam tổ chức tại Singapore 2021

Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus (CHLB Đức) Lương Phước Vinh cho biết, nếu sản phẩm trái cây Việt Nam đáp ứng quy định, quy chuẩn thị trường ở châu Âu, sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi sức tiêu thụ các nước EU không thua kém Trung Quốc.

"Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là DN cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường, các đối tác châu Âu sẵn sàng hỗ trợ chúng ta đáp ứng quy định”- ông Lương Phước Vinh chia sẻ.

Không chỉ có vậy nhiều DN cho rằng, trong quá trình xuất khẩu trái cây họ gặp nhiều khó khăn do một số địa phương chưa cấp mã số vùng trồng nên khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Để khắc phục vướng mắc này, DN mong muốn các địa phương chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Diệp cho biết, để chinh phục thị trường châu Âu đòi hỏi DN, hợp tác xã nên quy hoạch vùng trồng theo tiêu chuẩn, quy định châu Âu qua đó đảm bảo nguồn cung ổn định. Ngoài ra nên đầu tư công nghệ kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch để vận chuyển bằng đường biển, qua đó giảm giá thành sản phẩm.

“Chế biến sâu vẫn là giải pháp cốt lõi cho vấn đề bảo quản và tiêu thụ trái cây mà Việt Nam cần hướng tới để giải bài toán tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu” - bà Võ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh.

Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản 2021
Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản 2021
 

EU luôn là thị trường lớn và tiềm năng, có giá bán cao và khi thâm nhập được vào thị trường châu Âu có thể phủ khắp các thị trường khác trên toàn cầu. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi DN sản xuất phải đảm bảo duy trì tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất như giống, vật tư đầu vào, quy trình trồng trọt, mã số vùng nuôi, mã số vùng trồng… theo quy định riêng của EU, đến vận chuyển chế biến cũng như xuất khẩu.

Tham tán thương mại tại EU Trần Ngọc Quân

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn cung còn đòi hỏi DN đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm để người dân nước sở tại biết đến trái cây Việt. Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa nêu rõ, DN cần đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần dần thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng.

“Câu chuyện thành công từ việc xuất khẩu quả vải Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng là một ví dụ điển hình về lợi ích mà hoạt động quảng bá mang lại” - ông Nguyễn Phú Hòa nói.

Từ kinh nghiệm đưa trái cây Việt Nam ra các thị trường quốc tế, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho rằng, để thâm nhập thị trường EU, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong quá trình tham gia các hội chợ quốc tế nên xây dựng một "ngôi nhà chung" quảng bá trái cây Việt Nam, thay vì chia nhỏ thành nhiều gian hàng cho DN như hiện nay nên không tạo ra được sức mạnh to lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, DN cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm tư duy tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. “Các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.