70 năm giải phóng Thủ đô

Bài dự thi cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội” lần thứ II

Tìm đầu ra cho rơm rạ ở nông thôn - Bài toán cần lời giải

Nguyễn Thị Diệp (thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 55 năm sống ở nông thôn, tôi đã chứng kiến nhiều giải pháp “đầu ra” cho rơm rạ ở quê mình và cũng đang là thực trạng chung của nhiều vùng nông thôn Việt Nam.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Từ khi lớn lên đến nay, quê tôi vẫn là vùng thuần nông. Dân cư chủ yếu sinh sống bằng việc cấy lúa, trồng màu. Vì gắn bó hơn nửa cuộc đời với nông thôn, nên rơm rạ đối với tôi rất thân thiết trong cuộc sống.

Việc thu hoạch xong, vứt rơm thành đống gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước vẫn xảy ra. (Ảnh minh họa)
Việc thu hoạch xong, vứt rơm thành đống gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước vẫn xảy ra. (Ảnh minh họa)

Thời bao cấp khó khăn vất vả, người nông dân một nắng, hai sương gắn bó với củ khoai gốc lúa, rơm rạ gắn liền với mọi sinh hoạt, là nguồn thu nhập đáng kể. Sau vụ gặt, “rơm lên đống, thóc vào bồ”. Rạ được cắt về lợp nhà, thậm chí, gốc rạ cũng được nhổ về làm chất độn chuồng cho trâu bò. Rơm phơi khô, chất thành đống, làm chất đốt, làm thức ăn dự trữ cho trâu bò (mà năm nào cũng thiếu). Trong đời sống của nhiều gia đình nghèo, rơm còn làm ổ nằm giữ ấm cơ thể lúc đêm đông. Việc khai thác tận dụng tối đa sản phẩm từ rơm rạ khiến cho môi trường lúc đó trong lành, các dòng chảy của mương máng không bị tắc nghẽn. Môi trường trong lành đến nỗi đôi lúc khi đi làm ruộng, chúng tôi thường “giải quyết” cơn khát bằng cách thả nón xuống dòng mương để lọc lấy nước bưng lên uống mà không ai bị đau bụng.

Từ khi nông nghiệp được cơ giới hóa, con trâu không còn là đầu cơ nghiệp thì các gia đình ở nông thôn không còn chăn nuôi trâu bò, việc tích lũy thức ăn cho trâu bò không còn nữa. Thêm vào đó, cuộc sống dần hiện đại, bếp ga thay cho bếp rơm rạ, những hình ảnh “mái rạ và mùi khói lam chiều” cũng không còn, việc dự trữ rơm làm chất đốt không cần thiết… thì rơm rạ được xử lý theo nhiều cách, nhanh gọn nhất là đốt lấy tro. Nhưng vụ chiêm gối vụ mùa vào tháng 6 hàng năm rất ngắn, từ sau khi gặt đến khi gieo cấy vụ mùa chỉ trong vòng vài chục ngày. Rơm rạ thu hoạch xong chưa kịp phơi để đốt, bà con muốn nhanh gọn để lấy ruộng làm đất cấy vụ mùa, chỉ có cách đẩy xuống mương.

Thực tế những bất cập của việc xử lý rơm rạ diễn ra nhiều năm nay chưa có lời giải. Việc đốt rơm, khói mù mịt gây ô nhiễm không khí, che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường, ảnh hưởng ô nhiễm không khí (đã có không ít bài báo phản ánh về vấn đề này).

Bên cạnh đó, việc thu hoạch xong, vứt rơm thành đống gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước vẫn xảy ra. Những điều đó không phải người nông dân không biết. Họ biết là rơm rạ phân hủy sẽ tốt cho đất, nhưng để phân hủy tự nhiên thì cần có nhiều thời gian (mà thời gian gối vụ ngắn nên không thể xử lý - nhất là từ vụ chiêm sang vụ mùa). Nhiều người cũng hiểu tác hại của việc đốt rơm rạ làm thoái hóa đất trồng, ảnh hưởng môi trường. Họ cũng nắm được ích lợi của việc tái chế rơm rạ. Nhưng không biết phải làm sao, muốn xử lý triệt để cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.

Trên các phương tiên thông tin đại chúng vẫn tuyên truyền ích lợi của rơm rạ. Người nông dân biết rơm rạ có nhiều tác dụng. Nếu doanh nghiệp về thu mua có thể làm giấy, nguyên liệu, làm thức ăn trâu bò, ủ men vi sinh làm phân bón hữu cơ…, nhưng họ không được tiếp cận, nên không thể xử lý đầu ra. Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh học Emuniv do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, chuyển giao để xử lý rơm rạ, tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất lúa giúp giảm mạnh lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Nhưng để thực hiện được lại rất khó khăn: Cả xã chỉ có 1 cán bộ khuyến nông, làm đủ thứ từ tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi, cung cấp giống, phân bón, tổ chức diệt chuột… Nên không thể triển khai được trực tiếp phần tập huấn cho bà con cách dùng men vi sinh để xử lý rơm rạ. Việc hướng dẫn cách ủ vi sinh để làm phân hữu cơ, các lực lượng khuyến nông nên vào cuộc giúp bà con tiếp cận.

Việc thu mua rơm rạ làm nguyên liệu cho ngành giấy vốn là việc nhất cử lưỡng tiện, vừa tận dụng được nguồn rơm rạ, tránh việc đốt rơm làm ách tắc dòng chảy, lại thay thế cho dùng bột gỗ để làm giấy, góp phần bảo vệ rừng. Nhưng người dân không thể tự tìm đầu ra, mà doanh nghiệp phải gặp trực tiếp người dân, để thu mua rơm rạ làm nguyên liệu cho ngành giấy. Nhưng không thấy đơn vị nào về thu mua. Cho nên: Người dân biết vậy, nhưng doanh nghiệp họ đang ở đâu???

Để tìm đầu ra cho rơm rạ ở nông thôn không khó, bởi các nhà khoa học đã có rất nhiều cách giải quyết. Nhưng để giải quyết triệt để, rất cần đưa những biện pháp này tới tận tay nông dân. Bởi hơn ai hết, người nông dân rất yêu quê mình, yêu cánh đồng và không muốn môi trường quanh mình bị hủy hoại. Họ cũng muốn những sản phẩm phụ của cây lúa tiếp tục giúp ích cho đời, được làm giấy, là nguyên liệu cho nhiều ngành khác, hay chí ít cũng được ủ vi sinh để tiếp tục làm phân hữu cơ bón cho đồng ruộng. Nhưng cực chẳng đã họ phải đốt rơm, vì không biết bắt đầu từ đâu. Làm sao để thực hiện được? Câu hỏi này dành cho những người làm công tác khuyến nông, các nhà doanh nghiệp có thiện chí quan tâm, cùng tháo gỡ.