Tìm đường cho phim Việt ra rạp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đang là bài toán khó cho những người làm điện ảnh.

Chính vì thế, sáng 28/11, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến để lấy ý kiến đóng góp từ đại diện các nhà sản xuất, các đạo diễn, đại diện cơ quan quản lý văn hóa của các tỉnh tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cải tạo rạp cũ trước khi xây rạp mới

Hầu hết các ý kiến đóng góp đều nhất trí với các nội dung trong dự thảo "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", song không ít đại biểu tiếp tục "hiến kế" để bản quy hoạch chặt chẽ, đầy đủ và thực tế hơn. Chẳng hạn, theo như đề án quy hoạch vùng phát triển điện ảnh đến năm 2020 tại Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ, tổng cộng đến năm 2020 sẽ có 3 trường quay, 1 trung tâm kỹ thuật, 2 trung tâm chiếu phim hiện đại, xây mới 49 rạp, cải tạo 48 rạp. Thế nhưng, để làm được những việc này trong vòng 7 năm là rất khó. Bởi như ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia cho biết, hiện các rạp chiếu phim hoạt động rất khó khăn, từ thiết bị đến nội thất đều kém chất lượng hoặc xuống cấp nên không có khán giả. Đặc biệt, khi công nghệ chiếu phim thay đổi từ máy chiếu nhựa sang máy chiếu kỹ thuật số, việc nâng cấp trang thiết bị cho các rạp lại khó khăn gấp bội. Chính vì thế, việc trước tiên cần làm là phải cải tạo lại các rạp có sẵn rồi mới tính đến xây thêm rạp chiếu.

 
Khách xem thông tin về phim tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Ảnh: Đức Giang
Khách xem thông tin về phim tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Ảnh: Đức Giang
Đồng tình với quan điểm trên, bà Phan Thị Bích Hà - Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, cho hay, rất nhiều sinh viên khi thi vào trường được hỏi có hay đến rạp xem phim không, thì đều trả lời "không", vì không có tiền và ở nông thôn cũng không có rạp. Từ khi vào trường học, các em rất thích xem phim tại rạp và cảm thấy điều đó rất bổ ích, nhưng không có nhiều tiền, đành xem trên mạng là chính. Nhiều khán giả cũng có cách làm tương tự, nên nhiều rạp chiếu vắng khách ngay cả trong ngày nghỉ. Vì thế bà Hà khẳng định: "Chúng ta hãy cải tạo lại những rạp có sẵn để kéo khán giả phủ kín ghế ngồi đã, rồi hãy tính chuyện xây thêm rạp mới".

Có cơ chế phát hành phim hợp lý

Một vấn đề khác trong dự thảo quy hoạch được các đại biểu bàn thảo nhiều là công tác phát hành và phổ biến phim hiện nay. Quan điểm để phim nước ngoài nhập vào Việt Nam không hạn ngạch là điều bất cập được nhiều người đồng tình. Các cụm rạp chiếu hiện đại tại nước ta như: Megastar, Lotte, Platinum… đều là của các công ty nước ngoài, nên việc phát hành mang tính độc quyền. Vì thế mà các cơ sở điện ảnh của Nhà nước đều gặp nhiều khó khăn, khả năng xã hội hóa thấp và ít có điều kiện phát triển. Lý do là không có khả năng thu hồi vốn, bởi đầu ra của phim là rạp, mà rạp lại do các công ty nước ngoài quản lý. Các hãng sản xuất phim trong nước muốn đưa phim chiếu tại các cụm rạp do nước ngoài quản lý phải chấp nhận trả một số tiền lớn cho việc tuyên truyền quảng cáo phim trước khi chiếu. Mặt khác, các rạp không bao giờ từ chối phim Việt, nhưng phim được chiếu thì doanh thu không là bao, các nhà sản xuất không có cơ hội tái sản xuất. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: "Với một bộ phim hiện đại cùng nhiều hiệu ứng, tôi mong muốn phim của mình được chiếu tại các rạp hiện đại. Có lần, tôi thương lượng với một rạp hiện đại tại TP Hồ Chí Minh, nhưng giá họ "hét" 40 triệu đồng/buổi chiếu và trả lời rất nhấm nhẳng để bộ phim không vào rạp được". Cho nên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh và nhiều đạo diễn khác cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế hợp lý trong việc khai thác, phổ biến phim ở nước ta hiện nay, đặc biệt là phim nhập ngoại.

Các ý kiến góp ý này sẽ được Bộ VHTT&DL tập hợp, nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi dự thảo "Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.