Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng dệt may như: xơ, sợi, hàng dệt may, vải mành và vải kỹ thuật khác đạt 27,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành dệt may phải nhập khẩu (NK) 16,6 tỷ USD nguyên phụ liệu. Trong đó NK bông là 1,6 tỷ USD, xơ sợi các loại là 1,5 tỷ USD, vải 10,2 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may là 3,2 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty 28 cho hay, hiện nay dệt may trong nước đang phải NK 60% nguyên liệu của Trung Quốc. Trong nước chỉ sản xuất được 40% nguyên liệu nhưng chủ yếu là hàng dệt kim, công nghệ đơn giản. Đối với dệt thoi thì từ 70 đến 80% là NK.
Theo bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc công ty may An Phước, công ty phải nhập 100% nguyên liệu nước ngoài. Riêng phần phụ liệu, cũng phải dùng sản phẩm của các doanh nghiệp FDI.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngành dệt may NK nguyên liệu kéo dài ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, do doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu là gia công hoặc là sản xuất theo chỉ định của các DN nước ngoài nên không thể quyết định nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, phần lớn DN trong nước còn sử dụng công nghệ lạc hậu, mẫu mã nghèo nàn, chất lượng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu khách hàng nên không thể cạnh tranh.
Đánh giá về nguyên liệu sản xuất trong nước, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may cho biết, hoạt động sản xuất nguyên liệu trong nước cũng không phải yếu hẳn. Theo thống kê, trung bình mỗi năm các DN trong nước cũng sản xuất được khoảng 1 tỷ mét vải.
Đối với mặt hàng sợi, một năm trong nước sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn nhưng XK từ 700 đến 800 ngàn tấn. Nghịch lý ở chỗ trong khi vải trong nước chủ yếu là để XK thì các DN làm hàng XK lại phải nhập vải từ nước ngoài. Tương tự, lượng sợi phải NK cũng tương đương lượng sợi xuất đi.
Nhận thức rõ cơ hội khi gia nhập TPP nếu đảm bảo đủ điều kiện xuất xứ nguyên liệu, tuy nhiên DN trong nước gần như “lực bất tòng tâm” vì đầu tư sản xuất nguyên liệu đòi hỏi số vốn lớn. Đề đầu tư một nhà máy dệt, nhuộm cần phải có hàng chục triệu USD việc này là quá khả năng của các DN vừa và nhỏ trong ngành dệt may.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để giải bài toán về xuất xứ nguyên liệu trong TPP các DN trong ngành dệt may phải phối hợp với nhau. DN XK phải chủ động tìm đến DN sản xuất nguyên liệu nhằm giảm tối đa tình trạng NK. Đây chính là hình thức vừa đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu, vừa đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các động lực để liên kết chuỗi giá trị gia tăng cho dệt may hiện nay là hoa hồng, giảm giá, thu mua lại và bình đẳng để cùng có lợi trong kinh doanh.
“Liên kết không đơn giản, mới đầu là bạn hàng sau đó thì đầu tư cho nhau. Tuy nhiên, dù làm gì thì vẫn phải thay đổi phương thức sản xuất nếu không DN dệt may Việt Nam mãi mãi chỉ gia công cho DN ngoại”, ông Nguyễn Đình Trường, nguyên Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến nhấn mạnh.
Cùng quan điểm như trên, ông Thái Tuấn Chí, Công ty Dệt Thái Tuấn cho rằng, để liên kết chuỗi DN phải đáp ứng yêu cầu về giá, thời gian giao hàng số lượng và chất lượng . Đây là 4 yếu tố quan trọng mà DN phải đổi mới từng ngày.
Tìm giải pháp cho chuỗi cung ứng ngành dệt may
|