Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp để tàu điện và xe buýt hút khách

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/9, tại buổi tọa đàm "Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?", các chuyên gia, đơn vị quản lý Nhà nước đã chỉ ra nhiều khó khăn cũng như có những giải pháp để xe buýt, tàu điện cạnh tranh với phương tiện cá nhân trong bối cảnh hiện nay.

Đứng trước nhiều khó khăn

Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn.

Từ năm 2021 - 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện đi vào hoạt động: Metro Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, sản lượng hành khách vẫn chưa được như kỳ vọng.

Việc tìm giải pháp để xe buýt, tàu điện thêm thu hút nhiều người bỏ xe cá nhân, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng là vấn đề đặt ra đối với Thủ đô Hà Nội.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm.
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi toạ đàm "Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?" do Báo Giao thông tổ chức, với mục đích tạo ra diễn đàn trao đổi, góp phần tìm ra giải pháp để xe buýt, metro Hà Nội thêm hút khách, ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội thông tin, Hà Nội hiện có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành. Trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Sản lượng hành khách của xe buýt và metro, dự tính từ đầu năm đến nay có khoảng 3 trăm triệu lượt khách (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm 2023.

“Về xếp hạng xe buýt, hằng năm, chúng tôi có các cuộc đánh giá chất lượng dịch vụ, đánh giá các đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt. Mục tiêu đánh giá là để các đơn vị tự nhìn vào chính doanh nghiệp mình và so sánh với đơn vị khác để có giải pháp nâng cao chất lượng. Trong đánh giá chúng tôi chỉ rõ nguyên nhân và vấn đề mà đơn vị cần cải thiện” – ông Phạm Đình Tiến thông tin.

Ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội phát biểu.
Ông Phạm Đình Tiến - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội phát biểu.

Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, có đến 60 - 70% khách dùng phương tiện công cộng là người cao tuổi. Lượng hành khách đó sử dụng không giúp giảm nhiều mật độ trong giờ cao điểm, vì người về hưu ít ra đường giờ cao điểm. Do đó, một vấn đề chưa thấy là làm sao để tăng người sử dụng trong giờ cao điểm.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng, ở góc độ doanh nghiệp, việc nhận diện, đề xuất giải pháp một vấn đề đều được thực hiện dựa trên kinh nghiệm, góc nhìn của mỗi người.

“Tới đây, VTHKCC Hà Nội nói chung, đường sắt đô thị nói riêng đứng trước thách thức rất lớn. Thách thức ấy đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin và sự đồng lòng của tất cả các bên. Cũng cần phải nói rằng, theo xu hướng phát triển tự nhiên, người dân sẽ thích sử dụng phương tiện cá nhân hơn là phương tiện công cộng. Thực tế đó đòi hỏi phải có cơ chế chính sách kích hoạt tính ưu Việt của phương tiện công cộng và kiểm soát việc sử dụng phương tiện cá nhân một cách hợp lý” – ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.

Cạnh tranh với phương tiện cá nhân

Chia sẻ về kế hoạch dài hạn cho “cuộc chiến trường kỳ” hút khách đi metro, xe buýt, ông Phạm Đình Tiến cho biết, về giải pháp trước mắt, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội hiện chỉ vận hành đến Cầu Giấy, giai đoạn tiếp theo mới có thể vận hành toàn tuyến.

Ông Nghiêm Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải HKCC Hà Nội chia sẻ về giải pháp thu hút hành khách đến với xe buýt.
Ông Nghiêm Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải HKCC Hà Nội chia sẻ về giải pháp thu hút hành khách đến với xe buýt.

Trong bối cảnh này, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chỉ đạo phải đảm bảo mạng lưới tuyến được kết nối linh hoạt, có biện pháp điều chỉnh mạng lưới kết nối ngang giữa các ga với nhau. Đến nay, đã triển khai 13 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp cho tuyến 2A và tuyến 3.1.

Đồng thời để phát huy hiệu quả tối đa công suất tuyến 3.1, đã điều chỉnh tuyến buýt 20A thay vì điểm cuối là Nhổn như trước sẽ chuyển điểm cuối xuống Sơn Tây, các tuyến buýt phía Nam cũng thay đổi điểm cuối sang Sóc Sơn, Đông Anh. Qua đó, mở rộng vùng phục vụ hành khách cho tuyến đường sắt đô thị.

Về hạ tầng, tại tất cả nhà ga hiện đã được bố trí điểm dừng xe buýt ngay dưới chân nhà ga, tạo thuận lợi cho việc chuyển tiếp hành khách đi các nơi. Ông Nghiêm Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội cho biết, để xe buýt cạnh tranh được với phương tiện cá nhân không dễ, có rất nhiều rào cản, đặc biệt là tư duy của người dân.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình hiến kế để xe buýt, tàu điện Thủ đô trở thành phương tiện đi lại chính của người dân. 
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình hiến kế để xe buýt, tàu điện Thủ đô trở thành phương tiện đi lại chính của người dân. 

Tuy nhiên, với sự cộng sinh lẫn nhau của đường sắt và xe buýt, cùng sự quyết tâm, dám làm, sẵn sàng làm của Hà Nội trong xây dựng 6 tuyến đường sắt trên cao, ông Nghiêm Thắng cho rằng, hoàn toàn có thể mang đến lợi thế cho VTHKCC.

Theo ông Vũ Hồng Trường, để xe xe buýt, metro hút khách hơn, giai đoạn tới xe buýt tập trung cạnh tranh với phương tiên cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ. Hiện giá cả đã có chỉ cần tăng cường hơn tính an toàn như khi tiếp cận nhà ga, thay đổi từ phương thức này sang phương thức khác, khi đi trên xe buýt. 

Với metro, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, nên phấn đấu trở thành phương tiện yêu thích của người dân, không chỉ vì tính tiện lợi, an toàn, thời gian mà quan trọng là phương tiện xanh, góp phần bảo vệ thủ đô xanh sạch đẹp, tiến tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Từ đó, khai triển ra giải pháp luồng tuyến, phương tiện, quản lý điều hành, giám sát, cơ chế chính sách, tuyên truyền…

Chia sẻ về giải pháp thu hút hành khách đối với vận tải HKCC, ông Phan Lê Bình cho biết, đối với đường sắt đô thị do có đặc trưng riêng, có lợi thế lớn vì không phải cạnh tranh đường đi với các phương tiện khác.

Nhưng với xe buýt thì có nhiều hạn chế hơn. Dù đưa ra mục tiêu đến năm 2030 - 2035 hoàn thành thêm 6 tuyến đường sắt đô thị nữa, tuy nhiên đây là mục tiêu rất khó để làm được. Do đó, phương tiện VTHKCC chủ đạo trong thời gian tới vẫn là xe buýt.

“Để thu hút hành khách đến với xe buýt, thứ nhất cần ưu tiên mặt đường cho xe buýt, nếu cứ băn khoăn ý kiến phản đối của người dân thì rất khó để thực hiện. Thứ hai là cần có giải pháp đảm bảo lối đi bộ an toàn cho người dân di chuyển đến trạm xe buýt và nhà ga đường sắt. Thứ ba là về vấn đề kết nối, hiện nay, người dân có thể đi xe đạp, xe máy đến nhà ga, trạm xe buýt hoặc sử dụng xe buýt kết nối đến đường sắt đô thị, xe buýt đến tuyến BRT” – chuyên gia giao thông Phan Lê Bình chia sẻ.