Tìm giải pháp làm chủ cơn tức giận cho giáo viên khi dạy trực tuyến

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong thời gian gần đây, liên tục những vụ việc tức giận quá mức của giáo viên với học sinh thông qua dạy online đã xuất hiện, khiến cha mẹ học sinh bất bình. Trong điều kiện học online kéo dài, tâm lý của giáo viên là một trong những vấn đề cần được quan tâm, và tìm giải pháp sẻ chia từ nhiều phía.

Để cơn tức giận làm mờ tâm trí
Một giảng viên ĐH tại TP Hồ Chí Minh “đuổi” sinh viên ra khỏi lớp học online vì anh sinh viên nói “bên em mưa to quá, nghe không rõ, thầy có thể nhắc lại được không?”. Sự việc tiếp tục được đẩy lên cao khi giảng viên này yêu cầu các sinh viên còn lại trong lớp mở hết camera, micro lên và nói to, rõ ràng nội dung: “Tôi tên là…, tôi có đủ mắt, tai và giác quan như người bình thường….”. Sinh viên nào nói nhỏ, không rõ cũng bị cho ra khỏi lớp. Ngoài ra, vị giảng viên còn có nhiều ngôn từ thiếu chuẩn mực trong lớp học.
Đoạn clip về tình huống trên đã được ghi lại và đưa lên mạng xã hội. Nhận được thông tin, Ban lãnh đạo trường học nơi giảng viên công tác lập tức tiến hành làm việc với các bên; qua đó giảng viên đã thừa nhận sai sót, xin lỗi việc sử dụng ngôn từ chưa phù hợp đến sinh viên và những người xem clip, hứa sử dụng phương pháp mềm dẻo hơn trong việc giảng dạy môn học. Giảng viên cũng bày tỏ sự đáng tiếc vì việc này đã gây ảnh hưởng đến mọi người. Đại diện nhà trường thông tin, đơn vị  sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến vụ việc trên trong thời gian sớm nhất, đồng thời sẽ rà soát quy chế dạy trực tuyến.
 Tiết học trực tuyến của một ĐH thuộc TP Hồ Chí Minh- có xảy ra tình huống sư phạm đáng tiếc liên quan đến một giảng viên (Ảnh cắt từ clip)
Trong khoảng thời gian trên, dư luận cũng xôn xao về vụ việc cô giáo dạy Văn tại một trường THPT thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có lời lẽ xúc phạm, mạt sát học trò vì lỗi “không hiểu bài” do “ăn mì tôm” trong lớp học online và vô ý để micro của mình phát ra lời nói thiếu văn hóa. Nghĩ rằng đó là lời của học sinh phản ứng với mình, giáo viên này đã có hàng loạt câu nói xưng “mày- tao” cùng các nội dung lệch chuẩn, rất khó chấp nhận trong môi trường sư phạm. Sau khi trấn tĩnh, cô giáo trên thổ lộ rằng, bản thân đã có kinh nghiệm 26 năm trong nghề nhưng chưa bao giờ có cảm xúc tức giận như vậy và đúng là “cả giận mất khôn”. Cô thừa nhận rằng, dù là lỗi của học sinh đi nữa thì cách xử lý của cô trong tình huống đó là hoàn toàn sai.
Chia sẻ quan điểm về 2 tình huống ở trên, nhiều thầy cô giáo cho rằng, không thể bao biện theo kiểu giáo viên đang stress, áp lực; giáo viên chỉ muốn tốt cho học sinh hay giáo viên cũng là người, cũng có lúc không kiềm chế được. Ngược lại, cách hành xử đó của người làm thầy thể hiện sự thiếu khéo léo, thiếu tác phong, thiếu chuẩn mực sư phạm khi dạy học và các nhà giáo hãy coi đó là bài học để răn mình bởi sai lầm trong giáo dục là rất khó tha thứ.
Giáo viên tự “rèn” tâm lý
“Vẫn biết con người thì ai cũng có lúc nóng giận nhưng giới hạn sự nóng giận với người làm nghề giáo thì hẹp hơn rất nhiều. Chúng ta cũng không có quyền dùng cái sai của học trò để bào chữa cho những vi phạm chuẩn mực nghề giáo của mình”- một cô giáo bày tỏ quan điểm. 
Thực tế, kể cả dạy học trực tuyến hay trực tiếp, người giáo viên luôn đứng trước áp lực xuất phát từ nhiều phía. Làm thế nào để các thầy cô làm chủ được cảm xúc, nhất là trong những tình huống “khó”? Theo diễn giả Đỗ Thái Đăng - Giám đốc Công ty Giáo dục Nhân tài Đất Việt thì: Giáo viên không nên tích tụ những điều mình không hài lòng trong thời gian quá dài và cần học cách chuyển hóa cảm xúc. Hãy nhớ rằng, khi nóng giận, hành động thường gây hậu quả mà mình phải hối tiếc; vậy nên đừng nói gì, làm gì khi quá nóng giận; đó là cách tốt nhất để không làm tổn thương người khác và không làm tổn thương bản thân mình. Trong mọi tình huống, mỗi người hoàn toàn có thể bình tĩnh, nhận định về hành vi, lời nói để lựa chọn cách ứng xử đúng đắn, trưởng thành.
 Nụ cười của giáo viên trong giờ dạy online luôn làm tiết học thêm mềm mại, hiệu quả
Nếu có một tình huống sư phạm khiến cảm xúc của giáo viên “dâng lên”, điều quan trọng đầu tiên là phải nhắc mình “chậm lại”; có thể chạy ra ngoài, uống cốc nước, tắt camera…vài giây. Theo quy luật, độ cao trào cảm xúc không kéo dài được lâu; cùng lắm chỉ vài phút sẽ tự hạ xuống; vì vậy hãy cố gắng “chậm lại”. Tiếp đến, cần nhận diện cảm xúc xem mình đang thấy như thế nào để tự thức tỉnh; bình tâm trở lại. Cuối cùng, hãy xác định việc mình làm xem có ổn không và lựa chọn giải pháp: Chọn đúng hay là chọn hạnh phúc. Trong giáo dục, nếu chọn đúng- sai sẽ mất kết nối còn nếu thầy cô chọn hạnh phúc, bình tâm, tôn trọng học sinh, đưa giải pháp nhẹ nhàng, giơ cao đánh khẽ, sẽ chiến thắng trong hành trình giáo dục”- diễn giả Đỗ Thái Đăng gợi mở.
Chia sẻ tại tọa đàm “Hỗ trợ tâm lý giáo viên trong mùa dịch Covid- 19” mới diễn ra, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Trong giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 và dạy học trực tuyến, giáo viên đối mặt cùng lúc nhiều áp lực về công việc, gia đình, nỗi lo…; vì vậy mỗi người cần có thủ thuật quản lý thời gian; tự “quy hoạch” thời gian của mình và phải dành cho bản thân những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn bởi khi sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần tốt thì mới kiểm soát được cảm xúc tốt và vượt qua “điểm sôi “ cảm xúc của chính mình; không ngừng cố gắng tạo cảm xúc tích cực để lan tỏa cho học sinh và có những giờ học hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối, chia sẻ đồng nghiệp, Ban giám hiệu, phụ huynh học sinh, coi đó là những trợ giảng đắc lực để giúp những giờ học trực tuyến thêm hào hứng, tích cực.

Bộ GD&ĐT chuẩn bị tập huấn dạy trực tuyến cho giáo viên

Đánh giá cao công tác tổ chức dạy học linh hoạt, chủ động trrong 1 tháng qua của các địa phương, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với giám đốc các Sở GD&ĐT diễn ra ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý từng tỉnh thành cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng. Theo đó, xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng.

Trong tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn về dạy học trực tuyến cho giáo viên. Với những công văn hướng dẫn thực hiện chương trình ứng phó với dịch Covid-19, đây là chương trình dùng chung trên cả nước, không phải chỉ dành cho nơi có dịch, nên các nhà trường cần triển khai thực hiện. Những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm không được tổ chức kiểm tra, đánh giá định kì. Những nội dung này cũng sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp THPT.

Trong năm học này, để hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện CT GDPT mới, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập tổ hỗ trợ các môn học tích hợp. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh cũng thành lập tổ hỗ trợ chuyên môn này và mong rằng, các địa phương sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thành công năm học 2021-2022.