Tìm giải pháp liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn hiệu quả

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển bền vững chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn Hà Nội, DN, hợp tác xã, nông dân cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bằng chính sách đặc thù; sự chung tay của các cơ quan báo chí trong quảng bá thương hiệu RAT Thủ đô.

Đó là giải pháp được đưa ra tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra từ hiện trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội” do Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức ngày 30/3.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Ngọc
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ánh Ngọc

Liên kết lỏng lẻo

Theo báo cáo khảo sát thực tế tại một số vùng sản xuất RAT trên địa bàn TP của Hội Nữ trí thức Hà Nội, các chỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ RAT đang tồn tại nhiều hạn chế.

Cụ thể, việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các tác nhân trực tiếp tham gia liên kết chưa được quan tâm đúng mức; 53% mô hình chưa có khu chế biến sản phẩm RAT riêng; 60% mô hình không có hệ thống truy xuất nguồn gốc để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đáng nói việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh RAT rất hạn chế khi có tới 65% mô hình không giao dịch điện tử, 75% mô hình không có trang giao dịch thương mại điện tử riêng.

Sản phẩm RAT cũng chưa được minh bạch vì 79% mô hình không sử dụng hệ thống giám sát sản xuất; 66% số hóa đơn mua vật tư nông nghiệp đầu vào không được số hóa trong quản lý; 71% sản phẩm RAT của các mô hình không sử dụng tem truy xuất nguồn gốc.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định, một trong những nguyên nhân khiến cho sản lượng RAT tiêu thụ thông qua chuỗi chưa nhiều, vì không phải người tiêu dùng nào cũng có thói quen sử dụng sản phẩm rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ở khâu lưu thông, hệ thống cửa hàng, đơn vị cung ứng, tiêu thụ RAT còn gặp sự cạnh tranh khốc liệt với rau sản xuất truyền thống về giá bán tại các chợ đầu mối, dân sinh.

Từ khảo sát thực tế, TS Phạm Thị Liên nhận định, sự liên kết sản xuất - tiêu thụ RAT còn thiếu chặt chẽ, do chưa hài hòa lợi ích giữa các bên dẫn tới tình trạng hợp đồng bị phá vỡ. Nhiều hợp tác xã, địa phương muốn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ RAT nhưng việc đàm phán, ký kết hợp đồng, mở rộng tiêu thụ sản phẩm còn nhiều trở ngại.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ánh Ngọc
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Ánh Ngọc

Về vấn đề này, Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, hiện nay, lượng RAT tiêu thụ theo chuỗi chỉ chiếm 2 - 3% tổng sản lượng RAT trên địa bàn TP. Trong 45 chuỗi sản xuất - tiêu thụ RAT đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô mới có 30% diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn phần; còn lại mới dừng ở mức ứng dụng kỹ thuật và một phần ứng dụng công nghệ cao do nguồn vốn đầu tư hạn chế. Đáng nói, hiện TP có đến hơn 13.000ha rau nhưng phần lớn sản xuất tự phát, manh mún nên khó khăn trong việc tổ chức xây dựng liên kết chuỗi.

Cần thêm cơ chế hỗ trợ

Nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị RAT trên địa bàn, TS Nguyễn Thị Tân Lộc - Viện Nghiên cứu rau quả đề xuất, TP cần ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả.

Cụ thể, hỗ trợ các chủ thể liên kết chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm nghiệm, đăng ký mã số mã vạch, dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng, năng lực tiếp cận hệ thống kênh phân phối hiện đại cho các HTX, DN sản xuất.

Chăm sóc rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh
Chăm sóc rau an toàn tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh

Đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về liên kết sản xuất và tiêu thụ RAT, tham luận của Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, cần đa dạng kênh tuyên truyền về RAT để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng như thông qua các bài viết, video clip, live stream trên báo chí, Facebook, Google, Youtube...

Còn theo Giám đốc HTX Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị đứt gãy do bất hòa về lợi ích, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất, HTX; tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng RAT theo chuỗi đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng.

Đối với nhà sản xuất/DN phân phối, kinh doanh RAT cần chủ động đặt hàng với cơ quan báo chí truyền thông đa dạng, sinh động nhằm tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm RAT do các đơn vị cung ứng. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với cơ quan báo chí truyền thông tăng cường giới thiệu, quảng bá về các chuỗi sản xuất - tiêu thụ RAT, điểm bán RAT trên địa bàn TP để tăng sự tiếp cận của người tiêu dùng đối với sản phẩm này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần