Tìm giải pháp quy hoạch, phát triển đô thị bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hai ngày (18 - 19/11), tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn thể mạng lưới các TP...

Kinhtedothi - Trong hai ngày (18 - 19/11), tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn thể mạng lưới các TP lớn Châu Á thế kỷ 21 (ANMC21) lần thứ 12 với sự tham gia của hàng chục đại biểu đến từ các TP thành viên như: Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản)… Việc lần thứ 2 trở thành chủ nhà của ANMC21 đã khẳng định được vai trò, vị thế của Hà Nội trong Mạng lưới nói riêng, cũng như trong khu vực và trên trường quốc tế.

Khuôn mẫu hợp tác hiệu quả

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tin tưởng hội nghị lần này là dịp để các bạn bè quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, hiện đại hóa đô thị và có cơ hội tìm hiểu về Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến đầy tiềm năng và phát triển của Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, những nội dung thảo luận đều là những vấn đề nóng mà các đô thị đều đang phải đối mặt, qua Hội nghị lần này, các TP sẽ tìm ra những giải pháp tối ưu trong thực thi, quản lý quy hoạch đô thị. Đồng thời cùng nhau chia sẻ và tìm ra tiếng nói chung trong quy hoạch đô thị cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu đã và đang tác động nặng nề đến quá trình phát triển bền vững của các quốc gia trong đó có Việt Nam.

 
 Qua Hội nghị ANMC21, Hà Nội và các TP trong khu vực Châu Á sẽ tìm ra những giải pháp tối ưu trong thực thi, quản lý quy hoạchđô thị để phát triển bền vững.    Ảnh: Xuân Chính
Qua Hội nghị ANMC21, Hà Nội và các TP trong khu vực Châu Á sẽ tìm ra những giải pháp tối ưu trong thực thi, quản lý quy hoạchđô thị để phát triển bền vững. Ảnh: Xuân Chính
Trong khi đó, theo Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo - Trưởng đoàn Hà Nội, sau 12 năm thành lập ANMC21 đã và đang thực sự trở thành một khuôn mẫu hợp tác hiệu quả cho việc phát triển của khu vực Châu Á. Hội nghị lần này là dịp để lãnh đạo các TP thành viên cùng trao đổi, thảo luận về chủ đề chính sách và các vấn đề quan tâm đặc biệt của các TP thành viên; nghe báo cáo tiến độ, kết quả các dự án chung, đồng thời ký kết những dự án mới nhằm hợp tác phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng, cũng như của từng đô thị thành viên. Ngài Naoki Inose - Thị trưởng TP Tokyo (Nhật Bản) cho biết, dù là TP phát triển nhưng Tokyo đang gặp phải không ít thách thức trong quy hoạch đô thị và tiết kiệm năng lượng. Vì thế, ông Inose hy vọng, tại Hội nghị lần này sẽ học hỏi thêm được những kinh nghiệm với các TP thành viên trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển năng lượng. 

 
Chiều 18/11, các đoàn tham gia phiên thảo luận Quy hoạch đô thị của ANMC21 đã đi tham quan thực tế tại Khu phố cổ Hà Nội và các công trình kiến trúc quốc gia của TP như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Cung Quy hoạch trên tuyến đường Phạm Hùng. Để tìm hiểu thêm về các chính sách tiết kiệm năng lượng của TP, các đoàn tham gia phiên thảo luận "Chính sách năng lượng đô thị tại châu Á" đã tham quan, khảo sát thực tế tại Trung tâm Thương mại Savico Megamall Long Biên.
Biến thách thức thành cơ hội 

Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tham gia Phiên đối thoại chính sách 1 với chủ đề "Quy hoạch đô thị - Những vấn đề đặt ra trong thực thi quy hoạch đô thị hiện nay". Trong phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, dù mỗi TP có đặc thù kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa khác nhau, nhưng hầu hết đều gặp phải những khó khăn trong quá trình thực thi quy hoạch. Đại diện của TP Jakarta cho biết, để hiện thực hóa giấc mơ về một đô thị xanh, đáng sống với cả người dân lẫn khách du lịch, chính quyền TP này đã ban hành quy hoạch tới năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, Jakarta sẽ có khoảng 30% diện tích xanh; phục vụ cho 12,5 triệu người; 60% dân số sử dụng các phương tiện công cộng… 

Để giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị, đảm bảo phát triển văn minh, bền vững... tham luận của đại diện các TP thành viên mạng lưới đều nhấn mạnh, quy hoạch là cơ sở và động lực phát triển xã hội và công tác quy hoạch luôn được ưu tiên hàng đầu. Với tiêu chí hướng tới đô thị phát triển hài hòa và bền vững bởi 3 yếu tố chính là quy hoạch sử dụng đất lâu dài; kinh tế và môi trường bền vững; tăng quyền sở hữu của cộng đồng, Chính phủ Singapore đã đề xuất Kế hoạch hành động lâu dài trong 50 năm gói gọn trong cụm "xanh lá cây và xanh da trời" với các công việc cụ thể là trồng cây, tạo vườn, liên kết không gian xanh,... Nhờ quy hoạch hợp lý và dài hơi này mà Singpapore hiện đang là TP xanh, sạch và đáng sống nhất không chỉ của châu Á mà còn của toàn thế giới. 

Phát triển hài hòa và bền vững

Trong khi đó, trong Phiên đối thoại chính sách 2 với chủ đề "Chính sách năng lượng đô thị tại châu Á", các đại biểu đều thống nhất, việc phát triển TP bền vững trong tương lai đòi hỏi phải có chính sách năng lượng đô thị phù hợp. Trên cơ sở đó, những bản tham luận tại Hội nghị đã cung cấp thông tin định hướng về phát triển năng lượng hiệu quả ở các TP lớn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nền kinh tế các-bon thấp.  

 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo - Trưởng đoàn Hà Nộivà đại diện các TP thành viên của AN
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo - Trưởng đoàn Hà Nội và đại diện các TP thành viên của ANMC21 trong phiên khai mạc Hội nghị. Ảnh: Yên Chi.
Đặc biệt, các đại biểu đã chỉ ra rằng, chính sách năng lượng đô thị phải giải được bài toán hài hóa và bền vững giải quyết được tất cả các vấn đề như: Phát triển nguồn nhân lực quản lý năng lượng chất lượng cao; Phát triển thị trường trang thiết bị, công nghệ hiệu suất cao, sản phẩm dán nhãn năng lượng; Phát triển mạng điện lực đồng bộ với cơ sở hạ tầng đô thị; Từng bước phát triển vận tải hành khách khối lượng... 

Rõ ràng, với xu thế hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa diễn ra ở khu vực châu Á với tốc độ ngày càng nhanh đã tạo ra sức ép rất lớn đối với các đô thị lớn. Những giải pháp này, chắc chắn sẽ giúp các TP hiện thực hóa được mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai.

 
"Việc mở rộng Thủ đô đã đem lại nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức trong lập và thực thi quy hoạch đô thị khi phải tiếp quản khoảng 700 dự án, đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, đây cũng là "cơ hội vàng" để giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị trong những năm qua từ việc tạo thêm quỹ đất để phát triển các chức năng quan trọng còn thiếu." - TS.KTS Nguyễn Văn Hải-Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội