Thực tế, đến năm 2022, TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để có thể triển khai các quy hoạch chi tiết, đề án, dự án phát triển tại khu vực này.
Tìm giải pháp mới, tính đột phá
Nhằm hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các địa phương nằm trong ranh giới quy hoạch đang tích cực chuẩn bị triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, cụ thể là 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên mới đây đã cùng bắt tay phối hợp tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”.
Mục đích chính là nhằm lựa chọn được ý tưởng, giải pháp tốt từ cuộc thi để cụ thể hóa vào trong các đồ án quy hoạch chi tiết khu vực bãi sông mà các quận sẽ triển khai thời gian tới.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, trong khu vực trung tâm TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là khu vực đô thị nén có quỹ đất hẹp, mật độ dân cư cao.
Trên địa bàn quận cũng đang rất thiếu các không gian công cộng, nhất là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, triển lãm nghệ thuật của người dân.
Do vậy, việc phát triển khu vực đất bãi ngoài đê sông Hồng là cơ hội lớn để quận thực hiện tái thiết đô thị và phát triển không gian văn hóa sáng tạo, tiến tới hình thành trung tâm sáng tạo của Thủ đô.
Đặc biệt hướng tiếp cận lần này đối với khu vực bãi giữa nổi, bãi ven sông Hồng là phát triển thành công viên văn hóa với giá trị về cảnh quan thiên nhiên, mặt nước, cây xanh và động thực vật hiện có là lợi thế để xây dựng giải pháp cho phát triển.
“Với đầu bài rõ ràng, đầy đủ dữ liệu, hy vọng các đơn vị, cá nhân dự thi sẽ nghiên cứu kỹ để đưa ra các giải pháp tốt, chất lượng để chính quyền địa phương có thể triển khai lập quy hoạch chi tiết từ sản phẩm ý tưởng cuộc thi” - ông Phạm Tuấn Long kỳ vọng.
Dưới góc độ có nhiều nghiên cứu về quy hoạch Hà Nội, quy hoạch sông Hồng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, việc tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” vào thời điểm hiện nay có thể coi là dấu ấn mới.
Bởi khu vực bãi giữa sông Hồng từ hàng trăm năm nay khi người Pháp còn cai trị đã quan tâm đến việc khai thác, sử dụng. Bước vào giai đoạn đổi mới, từ năm 1986 trở lại đây, các cơ quản lý T.Ư, đặc biệt là TP Hà Nội cũng có nhiều quan tâm đến việc khai thác cảnh quan hai bên sông và tiềm năng quỹ đất bãi nổi, bãi giữa sông Hồng, nhất là đã có hàng chục dự án của các công ty tư vấn lớn nước ngoài đưa ra nhiều ý tưởng về khai thác bãi giữa sông Hồng. Tuy nhiên, tất cả đều chưa được thực hiện vì còn vướng vào những khó khăn về dòng chảy, thế sông, mực nước sông Hồng…
“Hà Nội hiện nay đang ở giai đoạn phát triển mới, không chỉ tập trung xây dựng Thủ đô hiện đại, mà còn chú trọng vào yếu tố văn hiến, văn minh, đặc biệt là nâng cao chất lượng sống của người dân. Vì vậy, qua cuộc thi lần này rất cần các giải pháp mới, có tính đột phá để giải quyết được vấn đề quy hoạch, phát triển khu vực bãi giữa sông Hồng nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng sống và đặc biệt thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí cho mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô” - TS Đào Ngọc Nghiêm nêu.
Tạo dựng không gian xanh hấp dẫn của Thủ đô
Với diện tích bãi nổi giữa khoảng 328ha và bãi ven sông Hồng (từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo) khoảng 63,2ha thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên.
Khu vực này là một quỹ đất đáng kể nằm trong thiên nhiên, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại tại khu vực đô thị trung tâm để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái, văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng và khách du lịch đến với Thủ đô.
Ý thức được tầm quan trọng không gian này đối với sự phát triển của Thủ đô trong tương lai, TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu nghiên cứu lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng”, thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, do UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì.
Theo đó, UBND TP đã đặt ra yêu cầu nội dung của đề án phải xác định rõ mục tiêu, quy mô, ranh giới, diện tích nghiên cứu, trình tự, thủ tục xem xét phê duyệt đề án, dự án đầu tư, việc quản lý sử dụng đất đai, cơ chế đầu tư, các hạng mục công trình…
Đặc biệt, bảo đảm tuân thủ trình tự thủ tục theo các Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, phù hợp với định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các quy hoạch đã được duyệt.
Để từng bước xây dựng Đề án, UBND TP Hà Nội cũng đồng thời chỉ đạo 4 quận tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng nhằm bảo đảm tính khả thi của Đề án.
Theo các chuyên gia, để một phương án, ý tưởng quy hoạch có tính khả thi thì phải phù hợp với đặc trưng địa hình, thủy văn, dân cư, văn hóa – xã hội… tại khu vực đó.
TS Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) cho hay, bãi nổi giữa sông Hồng không chỉ trù phú về giá trị kinh tế mà còn có giá trị lớn về thiên nhiên, nơi lưu giữ các hệ sinh thái nguyên bản vùng bãi sông gồm 209 loài thực vật bậc cao như cây gỗ, cây thuốc, cây ăn quả, rau màu, vùng cỏ tự nhiên… Bãi nổi giữa sông Hồng còn là sân chim, nằm ở trung tâm của tuyến di cư Đông Á - châu Đại Dương, đặc biệt khu vực này còn là nơi trú ngụ của một số loài nguy cấp toàn cầu như: sẻ đồng ngực vàng, vịt mỏ nhọn, bạch anh, đại bàng đen…
Đặc biệt, tại bãi nổi giữa sông Hồng hiện tập trung đông dân cư bao gồm 6 nhóm: canh tác nông nghiệp, chăn nuôi; kinh doanh nhà hàng, du lịch sinh thái; mua đất để nghỉ dưỡng; nhóm người lao động nghèo sống tạo xóm Phao; nhóm kết nối với thiên nhiên với hoạt động thể dục, thể thao và cuối cùng là nhóm thực hiện các chuyến du lịch tại bãi giữa.
Với những yếu tố đặc trưng như trên, thạc sĩ Lê Quốc Bình - điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đề xuất khu vực bãi nổi sông Hồng cần được quy hoạch, quản lý, thực hành thân thiện, bền vững môi trường và dung hợp xã hội.
“Quy hoạch khu vực bãi giữa sông Hồng nên tập trung vào bảo tồn cuộc sống hoang dã của chim muông, cây cối, các hoạt động nếu có thì cần hướng đến giáo dục, trải nghiệm thiên nhiên. Hoạt động nông nghiệp phải là nông nghiệp sinh thái kết hợp văn hóa, du lịch, nhất là xem xét chuyển đổi sinh kế và tích hợp các hoạt động của người dân có sẵn tại khu vực vào quy hoạch phát triển của TP” - thạc sĩ Lê Quốc Bình đề xuất.
Việc tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” trên địa bàn 4 quận là cần thiết để tạo dựng một công viên với không gian công cộng mở, xứng tầm với hình ảnh cảnh quan tự nhiên khu vực bãi sông trên địa bàn Thủ đô.
Qua đó đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, góp phần đa dạng các loại hình du lịch, vận tải phát triển kinh tế Thủ đô, cụ thể hóa định hướng trong việc phát triển Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô đang được hoàn chỉnh, phê duyệt.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long