70 năm giải phóng Thủ đô

Tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, 6/7, trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 13, HĐND TP đã nghe, thảo luận và quyết nghị những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 và giải pháp điều hành ngân sách.

Các vị lãnh đạo T.Ư, Thành phố và các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp.  	Ảnh:  Hải Linh
Các vị lãnh đạo T.Ư, Thành phố và các đại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp. Ảnh: Hải Linh
Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 4 năm

Điểm lại bức tranh kinh tế -xã hội 6 tháng qua tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết: Kinh tế Hà Nội duy trì tăng trưởng khá, đạt cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước quý II tăng 8,0% - cao hơn quý I (7,6%) và cộng dồn 6 tháng tăng 7,8% - mức cao nhất của 4 năm trở lại đây. Các ngành đều duy trì tăng trưởng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2014 từ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp... Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,13% so với tháng 5 và tăng 0,98% so với cùng kỳ. Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,28%). 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư xã hội trên địa bàn cũng ước tăng 10,4% so với cùng kỳ (mức tăng cùng kỳ năm 2014 là 10,2%). Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có tín hiệu tích cực hơn, dư nợ cho vay cao hơn huy động. Đầu tư nước ngoài ước đạt 501 triệu USD, bằng 86% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thực hiện đạt 460 triệu USD, tăng 2,2%. Tính đến tháng 7, số DN đăng ký thành lập mới là 9.126, tăng 18%; vốn đăng ký thành lập mới cũng tăng 45,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số DN ngừng hoạt động trong 6 tháng qua lại giảm 17% so với cùng kỳ 2014…

Những điểm sáng khác của nền kinh tế - xã hội Hà Nội cũng được chỉ ra khi đã có 109 xã được công nhận nông thôn mới; trình Thủ tướng công nhận huyện Đan Phượng là huyện nông thôn mới. Đến nay, đã thực hiện dồn điền đổi thửa gần 76.000ha, bằng 99,5% tổng diện tích có thể dồn điền đổi thửa. Hà Nội cũng dẫn đầu cả nước về công tác cổ phần hóa, sắp xếp DN... Lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản đến 31/5/2015 là 8.683 tỷ đồng, giảm 33,1% so với 31/12/2014...

Tuy nhiên, lãnh đạo TP cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại như tình hình sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu quý II ước giảm 6,2%, cộng dồn 6 tháng giảm 1,2%, trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 1,1% (cùng kỳ năm trước tăng tương ứng là 14,4% và 12,2%). Tiến độ các công trình trọng điểm chậm, chưa đáp ứng yêu cầu… Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh, việc cải tạo, từng bước thay thế cây xanh trên địa bàn là việc làm thường xuyên, được thực hiện trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch theo quy định, góp phần cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn bộc lộ những tồn tại, thiếu sót, phương pháp, cách làm chưa phù hợp, có phần nóng vội, đơn giản, chưa đánh giá kỹ những phản ánh, tác động đến xã hội; thông tin tuyên truyền chưa kịp thời, đầy đủ, chưa tạo được sự đồng thuận xã hội.

Đón đầu các chính sách mới

Mặc dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cao, nhưng để đạt được kế hoạch đề ra của cả năm (9,0 - 9,5%), 6 tháng cuối năm, Hà Nội phải đạt tốc độ tăng trưởng từ 10,3 - 11,4%. Đây là một nhiệm vụ được các ĐB đánh giá là không dễ dàng. Thảo luận tại hội trường về những giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội, các ĐB cho rằng, TP phải nhận định rõ những điểm còn tồn tại, để có giải pháp thúc đẩy hơn nữa đà tăng trưởng, trong đó có cả việc chủ động đón đầu chính sách mới. Theo ĐB Nguyễn Đình Dương (tổ Chương Mỹ), trước áp lực của việc chúng ta tham gia các hiệp định thương mại, nếu nền kinh tế và DN không chuẩn bị kỹ sẽ rất bị động. Do đó, TP cần nhấn mạnh hơn đến các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN; tăng thông tin cho các DN về từng hiệp định, luật chơi, để giúp các DN không chỉ liên kết sản xuất trên địa bàn mà có thể tham gia vào chuỗi giá trị rộng hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh trình bày Báo cáo tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh trình bày Báo cáo tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.
Dưới góc độ một DN, ĐB Nguyễn Hữu Thắng (Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thương mại Hà Nội) nhìn nhận: Để thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, vai trò Nhà nước tạo cơ chế chính sách chính là điểm nhấn. Do đó, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, mở cửa thị trường ASEAN, sẽ tác động lớn đến xuất nhập khẩu. TP nên nghiên cứu để đón bắt cơ chế mới, những gì vượt quá vai trò của TP thì cần báo cáo T.Ư để tránh rủi ro của nền kinh tế và ảnh hưởng đến các DN có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Các ĐB cũng cho rằng, các Luật trong lĩnh vực  đầu tư, nhà ở, bất động sản vừa có hiệu lực, có thể coi là bước đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh. TP nên có kế hoạch trong việc triển khai để cải thiện chỉ số cạnh tranh. ĐB Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) cho rằng, trước hết, TP cần quyết liệt trong công tác tuyên truyền phổ biến luật. Cùng với đó, làm tốt hơn việc cải cách hành chính, gắn kết hơn giữa các cấp chính quyền và DN.

Một số vấn đề khác cũng được các ĐB đề nghị TP tiếp tục quan tâm trong thời gian tới như cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng bộ hạ tầng xã hội cùng với phát triển nhà ở; phát triển đa dạng hơn sản phẩm du lịch; kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu...
Thu ngân sách đạt 51,1% dự toán
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước thực hiện hơn 72,43 ngàn tỷ đồng (không bao gồm thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại của các DN Nhà nước), đạt 51,1% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.197 tỷ đồng, đạt 48,9% dự toán (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước); thu từ dầu thô đạt 2.142 tỷ đồng, đạt 53,6% dự toán và bằng 55,5% so với cùng kỳ năm 2014; thu nội địa ước thực hiện gần 64.097 tỷ đồng, đạt 51,3% dự toán, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước thực hiện hơn 26.964 tỷ đồng, đạt 45,6% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo thu ngân sách 6 tháng cuối năm, UBND TP sẽ tăng cường chỉ đạo thu ngân sách, tập trung lực lượng rà soát, nắm bắt tình hình từng ngành để đôn đốc nộp thuế, hạn chế số nợ thuế mới phát sinh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm tra các DN có dấu hiệu chuyển giá, có giao dịch liên kết; kiểm tra quyết toán thuế đối với các DN giải thể, ngừng hoạt động; đôn đốc triệt để nộp ngân sách các khoản nợ thuế, tiền phạt xử lý sau thanh tra… Đẩy mạnh đấu giá đất, tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển. Đồng thời, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả…