Tìm hướng phát triển bền vững trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới
Kinhtedothi - Sáng 21/5, tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Bộ Ngoại giao - Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Bộ VHTT&DL và UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”.
Tham dự hội thảo có Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.
Khẳng định cam kết của Việt Nam
Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và các kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhấn mạnh vai trò của văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ diễn ra vào thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc. Ảnh: Thanh Tùng
Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, sự đóng góp của di sản thế giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là sự tiếp cận cộng đồng. Cùng với đó, nâng tầm và đẩy mạnh vai trò, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong chiến lược phát triển bền vững; mở rộng sự tham gia của các bên liên quan đến di sản văn hóa và thiên nhiên như các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng.
Hội thảo cũng nhằm thể hiện cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc thực thi nghiêm túc Công ước Di sản thế giới và thể hiện nguyện vọng đóng góp cho công tác bảo tồn di sản thế giới thông qua ứng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, ngày 19/10/1987, Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 2 lần được tín nhiệm bầu là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017 và nhiệm kỳ 2023 - 2027.
“Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy giá trị di sản thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa, góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa, với nhiều điểm mới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam” - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng cho rằng, Luật Di sản văn hóa năm 2024 được xây dựng với nhiều quy định đã nội luật hóa từ Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và chính sách về việc lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước 1972, từ đó tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản thế giới ở Việt Nam.
“Công tác xây dựng và thực thi các kế hoạch quản lý, quy hoạch và đầu tư, hỗ trợ kinh phí tại các di sản thế giới ở Việt Nam những năm qua luôn được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm. Các di sản thế giới ở Việt Nam được tu bổ, phục hồi, bảo tồn được các giá trị nổi bật toàn cầu, tính xác thực, tính toàn vẹn theo hướng bền vững. Bộ máy, nguồn nhân lực quản lý di sản thế giới từ T.Ư đến địa phương ngày càng được củng cố, kiện toàn. Các nguồn lực để bảo vệ di sản thế giới được ưu tiên, huy động tối đa. Do đó các di tích, danh thắng tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO công nhận, số lượng du khách tới tham quan, nghiên cứu ngày càng tăng” - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết thêm.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản” với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di sản mang tầm nhân loại đã được UNESCO vinh danh. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hương Thu
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, Hà Nội xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, trong đó việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, của toàn xã hội, của mỗi người dân.
Tại hội thảo, TP Hà Nội mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị di sản hướng tới mục tiêu quản lý bền vững các khu di sản, tiếp cận dựa vào cộng đồng. Đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ với nỗ lực của TP trong việc phát huy giá trị, bảo tồn di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Hiện nay, trong 8 di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận có 5 di sản văn hoá; 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp. Cụ thể, 5 di sản văn hoá gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, (UNESCO công nhận năm 1993); Phố cổ Hội An (UNESCO công nhận năm 1999); Thánh địa Mỹ Sơn (UNESCO công nhận năm 1999); Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (UNESCO công nhận năm 2010); Thành nhà Hồ (UNESCO công nhận năm 2011).
2 di sản Thiên nhiên gồm: Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (UNESCO công nhận năm 2003 và tái công nhận 2015); Vịnh Hạ Long (UNESCO công nhận năm 1994, tái công nhận 2000; 2011). 1 di sản hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An (UNESCO công nhận năm 2014). Đây cũng là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít 38 di sản hỗn hợp trên thế giới được UNESCO công nhận.
Theo thống kê, năm 2024, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 14,9 triệu khách, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản thế giới. Các số liệu thống kê đã cho thấy sự đóng góp to lớn của di sản thế giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương kể từ khi được UNESCO ghi danh.
Du khách tham quan Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Văn Phúc
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý Nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân. Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng.
Cùng với đó, hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản. Đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Kết luận, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo quốc tế lần này. Đồng thời tin tưởng rằng những kinh nghiệm được chia sẻ, gợi mở trong hội thảo sẽ là những định hướng quý báu để Bộ VHTT&DL và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý di sản thế giới ở Việt Nam trong thời gian tới”.

Hà Nội cam kết gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO năm 2025
Kinhtedothi- Ngày 26/4, tại Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức diễn đàn học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập năm 2025 với chủ đề “Học tập suốt đời để trở thành người hữu dụng”. Tham dự diễn đàn có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà.

Việt Nam – UNESCO: chia sẻ các giá trị chung về văn hóa phục vụ phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới
Kinhtedothi - Sáng ngày 20/5, tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi tiếp ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Hà Nội thúc đẩy hợp tác với UNESCO nhằm gìn giữ các di sản Thăng Long, Cổ Loa
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định cam kết bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long và thúc đẩy hồ sơ di sản thế giới cho Khu di tích Cổ Loa trong buổi tiếp Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới thuộc UNESCO Lazare Eloundou Assomo.