Tìm hướng ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 9/6, tại Công ty CP Gốm Chu Đậu (Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “Phát triển mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu”.

Tham dự hội thảo có Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Tuấn, cùng các chuyên gia kinh tế, hội viên hiệp hội làng nghề khu vực phía Bắc. Đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ các hội viên, cơ sở sản xuất trong các làng nghề nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
 Hội thảo “Phát triển mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu”.
Hội thảo “Phát triển mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu”.
Tại hội thảo, trong tham luận của các đại biểu đều cho rằng, khi hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN… đang mở mở ra rất nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng không ít, đòi hỏi các DN nói chung, trong đó có các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ phải thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao giá trị thẩm mỹ…

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ là chỉ dựa vào thói quen, phụ thuộc vào sản phẩm truyền thống và mẫu của khách đặt; Thiếu tính sáng tạo, thích sao chép; Thiếu kiến thức về thẩm mỹ, không phân biệt đâu là xấu, đẹp; Thiếu kỹ năng thiết kế, nghĩ sao làm vậy, dựa theo kinh nghiệm; Thiếu hiểu biết về thị trường, không xác định được làm cho ai dùng.

Thực tế cho thấy, từ trước và về sau này, những người quyết định chất lượng thẩm mỹ vẫn là các nghệ nhân và thợ thủ công trong làng nghề và các cơ sở sản xuất, do đó, cần tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, tham gia các cuộc thi thiết kế sản phẩm, tư vấn và cung cấp thông tin. 

Bên cạnh đó, rất mong các cấp, các ngành hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo, nhất là các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để các DN, doanh nhân biết được sản phẩm của mình đi đến đâu, thị hiếu của người tiêu dùng ra sao, từ đó có thể điều chỉnh sản xuất, cải tiến mẫu mã để đáp ứng với yêu cầu của thị trường…