“Quỳnh búp bê” sẽ trở lại?
Không thể phủ nhận, việc dừng phát sóng bộ phim “Quỳnh búp bê” của đạo diễn Mai Hồng Phong vào khung giờ vàng trên kênh VTV1 (21giờ45 đến 22giờ30 thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần) là đúng. Bởi vì, trải qua 6 tập đã phát sóng, quá hiều cảnh đấm đá bạo lực, diễn xuất hở hang khêu gợi để lột tả thế giới mại dâm đã được đạo diễn khai thác. Chị Mai Hồng (Hai Bà Trưng – Hà Nội) bày tỏ: “Bộ phim “Quỳnh búp bê” chiếu vào giờ trẻ con vừa học xong bài. Nên phim cứ phát sóng là cậu con trai 15 tuổi của tôi lại mở ra xem. Tôi rất sợ những cảnh khêu gợi, bạo lực của một thế giới mà chúng chưa từng biết tới sẽ tạo tò mò, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của đứa trẻ đang tuổi lớn”.Đúng như lời đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm VFC : Đây là lần đầu tiên nhiều góc khuất của vấn nạn này được tái hiện đầy gai góc qua góc nhìn của những người làm phim truyền hình. Chỉ qua 6 tập phát sóng, rất nhiều người trong ngành dành lời ca ngợi cho bộ phim. “Quỳnh búp bê” có cơ hội tiếp cận với truyền hình thế giới nhờ nội dung kịch bản đặc sắc cho đến cách diễn xuất của một dàn diễn viên trẻ nhiều tài năng.
Thế nên cũng nhiều người tiếc cho sự vắng bóng của bộ phim về đề tài tâm lý xã hội – “Quỳnh búp bê”. Diễn viên Minh Tiệp (đóng vai Vũ “sắt” trong phim) bày tỏ sự bất ngờ khi bộ phim đã được quay gần 1 năm qua và đang thực hiện những tập cuối cùng bị tạm dừng công chiếu. Cũng có nhiều thông tin cho rằng, “Quỳnh búp bê” sẽ trở lại ở một khung giờ dành riêng cho khán giả trên 18 tuổi, hoặc sẽ đưa vào kênh truyền hình trả tiền có kiểm soát độ tuổi người xem.Dán nhãn vẫn không đủThực tế, từ tập 5, VTV đã dán nhán 18+ cho “Quỳnh búp bê” và có dòng chữ cảnh báo: “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem”. Song đây cũng chỉ là biện pháp “chữa cháy”, bởi trước đó phim không có bất kỳ dòng thông báo nào. Hơn nữa, nếu phát sóng trên kênh VTV1 vào khung giờ đó thì cũng không ai có thể khẳng định chỉ khán giả trên 18 tuổi đón xem.Vấn đề ở chỗ trong khi truyền hình thế giới đã phân loại kênh và khung giờ cho khán giả theo từng độ tuổi, thì ở Việt Nam vẫn tỏ ra lúng túng. Ví dụ ở Mỹ có hệ thống phân loại nội dung truyền hình (TV parental guidelines) chia thành các loại như TV-Y (phù hợp cho tất cả trẻ em), TV-Y7 (cho trẻ trên 7 tuổi), TV-G (phù hợp với mọi lứa tuổi), TV-14 (dành cho trẻ trên 14 tuổi), TV-MA (dành cho khán giả người lớn và thiếu niên)…
Cùng với hệ thống phân loại này, từ những năm 2000, thiết bị V-chip được lắp đặt trong hệ thống ti vi cho phép bố mẹ, hay người lớn có thể khóa những chương trình không phù hợp với con cái, trẻ em. Còn ở Đức, nhiều kênh truyền hình đưa quy định phát sóng các chương trình gắn nhãn FSK 12 (dành cho lứa tuổi trên 12) vào 20 giờ, FSK 16 (dành cho lứa tuổi trên 16) vào 22 giờ, và từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau dành cho các chương trình FSK 18 (dành cho lứa tuổi trên 18).Thực tế, không phải ở Việt Nam không đủ điều kiện kỹ thuật phân loại khán giả. Việc phát sóng những bộ phim dán nhãn 18+ với công cụ kiểm soát, có thể làm được khi phát sóng trên hình thức như VOD (hệ thống cho phép người dùng lựa chọn và xem), hay truyền hình trả tiền (người có nhu cầu sẽ trả tiền để xem), và tất nhiên cùng với đó có lời cảnh báo phim dành cho khán giả trên 18 tuổi…
Vấn đề là các đơn vị làm dịch vụ truyền hình có áp dụng nguyên tắc này không? Nhiều người nhìn nhận phân loại khán giả theo độ tuổi sẽ không ai thiệt. Bởi vì, phân loại sẽ giúp đoàn làm phim không gặp vướng và giúp khán giả đủ trưởng thành có thể đón xem các bộ phim lột tả một cách chân thực nhất các góc khuất của đời sống.