Tìm lại giá trị xưa bên cạnh những di sản mang tính tư tưởng Phật giáo mà phật hoàng Trần Nhân Tông để lại là mong muốn của những người làm di sản Đại lễ tưởng niệm 710 năm đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Hé lộ giá trị hoàng cung nhà Trần tại Hoàng thành
Vua Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần và cũng là 1 trong 52 vị vua có thời gian ngự trị tại Hoàng thành Thăng Long. Trong quá trình khai quật khảo cổ và lịch sử ghi lại, rất nhiều dấu ấn kiến trúc của di sản nhà Trần còn hiện hữu, đó là những hiện vật bằng gốm, hình tượng trang trí rồng phượng. Nhưng vẻ đẹp kiến trúc nhà Trần mới được công bố trong phạm vi hẹp, đa phần là để các nhà khoa học tìm tòi nghiên cứu, gần như công chúng chưa được biết đến.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Phan Duy Thắng, dấu ấn nhà Trần ở Hoàng thành Thăng Long là La thành đắp đất. Bên trong Hoàng thành là những di sản cung điện: Cung Thánh Từ (Thượng Hoàng ở); cung Quan Triều (vua ở)..., di sản chùa chiền như Tư Phúc, Chân Giáo, Diên Hựu... Qua quá trình khai quật, các nhà khoa học đã làm hé lộ từng phần kiến trúc cung điện, chùa chiền nhà Trần ở Hoàng thành Thăng Long.
Mở đầu là hội thảo khoa học: “Từ hoàng cung Thăng Long đến thánh địa Trúc Lâm, hành trình đấng minh quân đến đức Phật hoàng”, sau đó là một chuyên đề trưng bày các cuộc khai quật dấu ấn nhà Trần tại Hoàng thành Thăng Long sẽ là bước tiến cho việc công bố các giá trị di sản nhà Trần đến công chúng. Tư liệu lần đầu công bố đóng góp cho việc nhận thức về quá trình xây dựng, thiết kế kinh đô thời Trần. Ngoài ra, theo mong muốn của Ban Giám đốc Trung tâm là kết nối tuyến trải nghiệm các thánh tích, hành trình đi theo dấu Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, đây là một xu hướng phát triển của du lịch tâm linh trên thế giới, nhưng tuyến du lịch kết nối từ Hoàng thành đến các điểm như Quảng Ninh, Ninh Bình sẽ cần nhiều nội dung hơn nữa.
Giảm hoành tráng, xóa nhòa nguyên bản
Một trong các tuyến du lịch kết nối mà Trung tâm nhắm tới là Khu tưởng niệm vua Trần được coi là hoành tráng nhất là Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều và Thiền viện Trúc Lâm (Yên Tử). Thế nhưng, nhiều năm trước, thiền viện Trúc Lâm như bị ngủ quên, thì Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều ngày càng hoành tráng và mất đi dấu tích di sản của 700 năm trước. Ông Trần Việt Anh cho rằng: “10 năm nay, mỗi năm tôi đều về Đông Triều, thấy xót xa vì nhiều công trình bị làm mới, ví như chùa Quỳnh Lâm được nới rộng, vĩ đại hơn nhưng xóa mất dấu tích xưa. Từ viên gạch, chân tảng đều mang dáng dấp của công trình thế kỷ XXI, không phải của 700 năm trước”.
Ngay tại hội thảo sáng 5/12, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: “Trước khi tu bổ xây dựng các công trình nhà Trần, các cơ quan văn hóa đều tiến hành khai quật, nhưng trong quá trình thực hiện công trình vẫn bị sai lệch nguyên gốc. Nếu văn hóa tuýt còi sẽ xảy ra vấn đề phật lòng nhau. Nên theo tôi, chính các vị sư trụ trì và Ban Văn hóa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có cách thức ứng xử với di sản thế nào cho đúng thì mới giữ được nguyên bản của di sản nhà Trần”.
Nhân kỷ niệm 710 năm đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, thế hệ con cháu hôm nay không chỉ cần làm rõ vai trò Phật hoàng Trần Nhân Tông với lịch sử dân tộc và tư tưởng phật giáo, mà còn ở những giá trị vật thể trong di sản kiến trúc được cha ông để lại.