Nan giải đầu ra sản phẩm
Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân than thở, đơn vị có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, DN đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc liên kết với DN bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.
Không chỉ Công ty CP Thực phẩm sạch Ba Vì gặp khó khăn này, mà nhiều chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP cũng ở tình trạng tương tự trong quá trình tìm kiếm đối tác tiêu thụ ổn định, tạo giá trị cao cho sản phẩm.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) chia sẻ, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức chuyên dệt lụa, trong đó có lụa dệt từ tơ sen. Đây là sản phẩm độc đáo, được làm thủ công rất đẹp và lạ nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thụy Lâm (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho hay, xã Thụy Lâm hiện có 570ha trồng lúa nếp cái hoa vàng/vụ, chiếm 98% diện tích trồng lúa của địa phương. Sản phẩm đã được TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, nhưng chưa có sự liên kết với các nhà bán lẻ nên nông dân chủ yếu bán gạo trên thị trường tự do, đầu ra không ổn định.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp Thành phố. Quan trọng nhất là TP Hà Nội tập trung xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp DN, hợp tác xã giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua hoạt động này DN, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phó Giám đốc HPA Bùi Duy Quang
Trong khi DN sản xuất còn loay hoay trong khâu kết nối thì nhiều siêu thị chưa tìm được nguồn hàng phù hợp từ nơi sản xuất. Theo Giám đốc Big C khu vực miền Bắc Lê Mạnh Phong, hiện trên các kệ hàng của Siêu thị Big C Thăng Long có 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương và rất nhiều nông sản, đặc sản vùng miền. Mặc dù Big C có nhu cầu kinh doanh sản phẩm OCOP, nhưng theo quy định để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Quy định là vậy nhưng hiện nông dân chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán.
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại” - ông Lê Mạnh Phong khẳng định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu thông tin, các hệ thống bán lẻ đều có bộ phận chuyên trách để kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, nhà sản xuất phải tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm, ưu tiên việc chứng nhận các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobolGAP... cho sản phẩm. “Có tạo được uy tín thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới được hệ thống bán lẻ hiện đại chấp nhận tiêu thụ'' - bà Vũ Thị Hậu nhấn mạnh.
Cần tạo cầu nối ra thị trường
Nhằm hỗ trợ các DN, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND TP Hà Nội đã Kế hoạch số 92/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2022.
Theo đó, TP Hà Nội sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, tổ chức thành công lễ khai trương, quảng bá điểm OCOP. Đồng thời, triển khai xây dựng tối thiểu 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện, thị xã.
Là một trong những đơn vị triển khai ''Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022'' tại huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì... Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, thông qua việc tổ chức hoạt động này, HPA đã hỗ trợ DN, hợp tác xã TP Hà Nội và các tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng.
''Quan trọng hơn cả, thông qua hoạt động này TP Hà Nội gắn kết việc quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; Góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, thích ứng an toàn, linh hoạt; thực hiện có hiệu quả mục tiêu ”vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” - ông Nguyễn Ánh Dương nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù TP Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, nhưng hiện các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, manh mún. Nguyên nhân là do Chính phủ và TP Hà Nội vẫn chưa có hệ thống chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh để phát triển OCOP.
“Chính phủ chưa có quy định về mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể có sản phẩm OCOP được cấp sao khiến nhiều tỉnh, thành (bao gồm cả Hà Nội) không thực hiện được cơ chế này. Định mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố cũng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành…” - chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú dẫn chứng.
Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả mong đợi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; Quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của chương trình OCOP. Bên cạnh đó Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách Trung ương và địa phương; ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP phù hợp vơi thực tiễn từng địa phương, trong đó có TP Hà Nội.