Tìm lời giải cho bài toán giảm khí phát thải

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, áp dụng khung định giá các bon sẽ làm cho các hoạt động có phát thải khí nhà kính trở nên đắt đỏ hơn thông qua việc tính chi phí cho mỗi tấn CO2 tương đương thải ra khí quyển.

Điều này tạo cho các DN sản xuất, kinh doanh thói quen tự hạn chế phát thải khi hoạt động, thúc đẩy những công nghệ sạch hơn.

Lộ trình hoàn thiện vào năm 2028

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế và thông tin, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, thị trường các bon đã được luật hóa tại Điều 139, Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó quy định, thị trường này gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ trong nước. Các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm năng lượng, GTVT, xây dựng, công nghiệp, nông, lâm nghiệp và chất thải.

Phát thải khí nhà kính tại nhà cao tầng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, khí hậu. Ảnh: Thanh Hải
Phát thải khí nhà kính tại nhà cao tầng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, khí hậu. Ảnh: Thanh Hải

Lộ trình thực hiện được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ các bon, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ trong lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ kể từ năm 2025 cùng với triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường này.

Giai đoạn 2 từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các bon, quy định hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ trong nước với thị trường các bon khu vực và thế giới.

TS Trương An Hà - chuyên gia nghiên cứu thuộc tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam cho biết, với việc xây dựng và vận hành thị trường các bon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải một cách hiệu quả, cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia mới nhất của Bộ TN&MT, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030; 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao. Do đó, trong điều kiện Chính phủ đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26, định giá
các bon được coi là một trong các giải pháp sáng tạo cần thiết.

Tháo gỡ những vướng mắc

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) GS.TS Hoàng Xuân Cơ khẳng định, việc định giá, xây dựng thị trường các bon là cần thiết trong quá trình cắt giảm khí phát thải. Tuy nhiên, cần có lộ trình dài hơi được thực hiện trên phương pháp mang tính khoa học, dựa trên các số liệu thống kê chính xác.

Từ đó, Nhà nước có căn cứ để xây dựng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, giá các bon để dần định hình thị trường này. “Quá trình thực hiện cần có chỉ rõ trách nhiệm của mỗi bộ, ngành. Bởi nếu có sai sót trong đo kiểm, đánh giá sẽ gây hệ lụy rất lớn dẫn đến phản ứng của DN. Đồng thời không đạt được hiệu quả trong bảo vệ môi trường không khí” - GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói.

Khi thị trường các bon trở nên phổ biến, đạt được kết quả giảm phát thải một cách chắc chắn hơn sẽ cho phép các DN được linh hoạt, chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả trong cắt giảm phát thải vào không khí.

Hiện nay, nhiều DN đã sớm đưa công nghệ sản xuất, dây chuyền sản xuất hiện đại để tiết kiệm điện hiệu quả cũng như sử dụng thêm năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, DN cũng luôn tìm kiếm những cơ hội mới để có thể sử dụng nhiều hơn nữa các nguồn sản phẩm phụ từ nhiều ngành khác, tạo ra sản phẩm có hàm lượng các bon thấp nhất.

Ví dụ, tại Insee Việt Nam (DN sản xuất xi măng), đại diện DN này cho biết, ngành sản xuất xi măng chủ yếu là thải ra khí CO2. Những dự án mà Insee Việt Nam đang thực hiện sử dụng nhiều hơn nguyên liệu có thể thay thế cho đá vôi nung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các DN cho rằng, vẫn gặp phải không ít trở ngại do cơ chế khuyến khích tài chính của Việt Nam chưa tạo được động lực cho người dùng chấp nhận rủi ro để đầu tư. Hơn nữa, khung hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn chỉnh đối với hạn ngạch cụ thể cho từng đối tượng.

Để giải quyết vấn đề này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, vai trò của các bộ, ngành là đặc biệt quan trọng. Trong đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm sớm đưa ra hạn ngạch phát thải để tạo lập thị trường các bon trong nước. Bộ Công Thương phải giữ vai trò trọng tài để các DN tìm được tiếng nói chung, qua đó trao đổi tín chỉ các bon sao cho phù hợp với hạn ngạch trong nước.

 

"Quá trình định giá các bon sẽ tiêu tốn nhiều chi phí, nhân lực trong việc thực hiện đo kiểm, thống kê. Do đó, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện cần nghiên cứu, đề nghị sự hỗ trợ của những tổ chức, đơn vị chống biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế.

Đồng thời, cần thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn thay đổi mô hình sản xuất, để kịp thời bắt nhịp đối với nhóm DN có lượng khí phát thải lớn trước khi hoàn thiện công tác định giá các bon."  - GS.TS Hoàng Xuân Cơ