Từ đầu năm đến nay, nguồn lực này đã ghi nhận những chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, cũng cần thấy rằng thu hút đầu tư nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng cần mang tính dài hạn, khác với thương mại là hoạt động phụ thuộc vào sự biến động của thị trường trong nước và thế giới.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về thu hút đầu tư nước ngoài vào Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Mại - Hiệp hội DN ĐTNN (VAFIE) đánh giá cao về 2 dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đã được Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong những tháng đầu năm 2016 gồm: Dự án kinh doanh các sản phẩm xổ số tự chọn điện toán có vốn đăng ký hơn 210 triệu USD liên doanh giữa Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) với Công ty TNHH MTV Xổ số Điện toán Việt Nam; Dự án Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) vốn đăng ký 300 triệu USD của Tập đoàn Samsung. Đó là tín hiệu đáng mừng khi Thủ đô đang nằm trong số các địa phương dẫn dầu trong thu hút FDI của cả nước.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút nguồn lực ĐTNN vào Hà Nội trong thời gian tới?
- Với những tín hiệu tích cực của FDI vào Việt Nam và Hà Nội trong quý I cộng thêm việc Việt Nam đã cùng với các nước thành viên khác thực hiện Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Kinh tế (AEC), đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mới về đầu tư và thương mại như FTA với EU, FTA với Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì lực hấp dẫn sẽ lớn hơn đối với FDI, nhất là từ các công ty xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới. Hai ví dụ trên đã minh chứng cho nhận định đó. Gần đây, hãng sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới – Apple (Mỹ) đã công bố ý định đầu tư dự án quy mô 1 tỷ USD tại Hà Nội để xây dựng trung tâm R&D phục vụ các công đoạn nghiên cứu cho khu vực châu Á, mặc dù Apple hiện có trung tâm R&D tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản, chuẩn bị khai trương trung tâm mới tại Ấn Độ…
Những thông tin đáng khích lệ đó đặt ra vấn đề Hà Nội cần có kế hoạch tiếp cận TNCs khi tiếp nhận thông tin để tìm cách tạo cơ hội thu hút FDI vào Thủ đô. Do đó, tình hình một quý chưa nói lên được xu thế phát triển FDI, cần tiếp tục theo dõi động thái của những quý tiếp theo mới có thể đánh giá đúng được.
Bên cạnh lợi thế, Hà Nội vẫn đang tồn tại những hạn chế trong việc thu hút nguồn lực FDI. Về phía các DN ĐTNN, họ cần thêm những gì để có thể yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Hà Nội?
- Hà Nội có lợi thế nổi trội so với nhiều địa phương: Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đang được xây dựng nhanh và hiện đại, có sân bay quốc tế, có công nghiệp khá phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia... Lãnh đạo TP dễ dàng tiếp cận đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Hà Nội là địa phương được T.Ư đặc biệt quan tâm trong việc bố trí cán bộ lãnh đạo, lựa chọn công chức Nhà nước, được thực hiện cơ chế đặc thù về kinh tế, tài chính.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng có những nhược điểm lớn. Theo đánh giá của giới đầu tư đó là, giá dịch vụ hạ tầng và giá thuê đất tại các khu công nghiệp của Hà Nội cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với các địa phương lân cận; sự quá tải của TP về đường giao thông, cấp thoát nước, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển mạnh…
Giải pháp để Hà Nội gia tăng lợi thế, hạn chế nhược điểm đã được Đảng bộ và chính quyền TP đề cập đến. Đó là cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng hơn từ thể chế, luật pháp cho đến bộ máy và công chức Nhà nước của Thủ đô; Đổi mới cách làm từ xúc tiến đầu tư đến thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án và hỗ trợ nhà đầu tư (NĐT) khi gặp khó khăn; Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh… Theo tôi, hoạt động xúc tiến đầu tư của TP thời gian tới cần hướng đến từng tập đoàn kinh tế với việc trao đổi thông tin cập nhật để giải đáp những vấn đề họ cần được làm rõ trước khi quyết định đầu tư. Khi lãnh đạo TP làm việc với chủ tịch, CEO của những tập đoàn nên có Bản ghi nhớ để giao cho các cơ quan chức năng thực hiện những cam kết với NĐT. Thành công của nhiều địa phương trong việc thu hút FDI những năm gần đây như Bắc Ninh, Thái Nguyên đã khẳng định vai trò của Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tiếp xúc với Chủ tịch, CEO của Samsung, Nokia - Microsoft, Canon… bảo đảm thực hiện đúng các cam kết trong các cuộc gặp cấp cao, tạo lòng tin cho NĐT. Điều này khiến NĐT yên tâm khi quyết định đầu tư hay mở rộng sản xuất kinh doanh để đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho họ, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kinh nghiệm thành công được rút ra từ việc Intel lựa chọn Việt Nam để thực hiện dự án là cần có sự chỉ đạo tập trung của người có quyền lực cao nhất ở địa phương để giải quyết thỏa đáng những đòi hỏi chính đáng của NĐT, không nên bắt họ chờ đợi ý kiến của các cơ quan khác nhau.
Làm gì để khai thác tối đa lợi thế và khắc phục có hiệu quả những hạn chế là vấn đề cần được lãnh đạo TP quan tâm để có đối sách đúng đắn.
Là đại diện cho khối DN FDI, ông ghi nhận như thế nào về những nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trong thời gian gần đây?
- Việc Hà Nội có được những kết quả khả quan trong thu hút vốn FDI thời gian qua thể hiện rõ nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của TP trong việc tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho DN trong nước mà còn có DN FDI. Kết quả này ngoài việc xuất phát từ những cải cách liên quan đến thủ tục hành chính trong đầu tư, cũng còn phải nói đến quá trình chuẩn bị các nguồn lực từ giai đoạn trước đây của Hà Nội. Nói một cách khác, thành tích thu hút ĐTNN thời gian qua là kết quả từ việc chuyển tiếp những thành công trước đó.
Một trong những tồn tại trong thu hút vốn FDI được nói đến trong nhiều năm qua xuất phát từ việc mong muốn kêu gọi càng nhiều NĐT càng tốt mà quên đi hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm, những vấn đề về chuyển giao công nghệ, môi trường, lợi dụng những ưu đãi về thuế, đất đai… Vậy, theo ông, Hà Nội cần làm gì để hạn chế những tồn tại này?
- Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP đã đề cập khá cụ thể. Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại trong thu thút FDI vào Thủ đô, theo tôi cần quan tâm 3 khía cạnh. Trước hết, cần thu hút FDI công nghệ cao, dịch vụ hiện đại của TNCs trong top 500 của thế giới để tái cấu trúc nhanh hơn và có hiệu quả hơn đưa kinh tế Thủ đô phát triển theo mô hình tăng trưởng mới. Trên cơ sở đó cần có giải pháp hữu hiệu hơn để Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thêm nhiều dự án FDI lớn khi chỉ còn 2 năm nữa là tròn 20 năm kể từ khi động thổ. Đối với các khu công nghiệp hiện có cần điều chỉnh theo hướng tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng khu gắn với việc lấp đầy diện tích bằng dự án FDI thích ứng với Thủ đô. Kiên quyết không thu hút dự án gây ô nhiễm môi trường, không tiết kiệm năng lượng. Đối với khu công nghiệp mới cần xây dựng theo hướng chuyên ngành theo chuỗi giá trị sản phẩm, vừa có nhà máy sản xuất sản phẩm cuối cùng, vừa có DN công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó cần có những chính sách khuyến khích bằng các ưu đãi cụ thể việc kết hợp giữa DN FDI, nhất là TNCs với DN trong nước theo phương thức đa dạng để nâng cao hơn nữa tác động lan tỏa của khu vực FDI. Đặc biệt là trong việc xây dựng đội ngũ DN nội nhiều về số lượng và ngày càng có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, đủ sức làm chủ thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Những mục tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn 2016 - 2020 đòi hỏi phải đẩy nhanh công cuộc tái cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng hiệu quả, bền vững và kinh tế xanh, do đó cùng với việc tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi để kích thích phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng DN trong nước, đồng thời thu hút nhiều hơn và có hiệu quả, chất lượng hơn vốn đầu tư quốc tế, nhất là từ TNCs hàng đầu thế giới.
Xin cảm ơn ông!