Tìm “thủ lĩnh” cho doanh nghiệp nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn bủa vây, việc xây dựng những DN đầu tàu trong từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp đang trở thành nhiệm vụ quan trọng nhằm tiến tới xác lập các thương hiệu mạnh quốc gia.

Chông chênh hội nhập

Nông nghiệp đang từng bước khẳng định được vị thế là điểm sáng của nền kinh tế. Thời gian qua, nhiều DN định hướng đầu tư vào nông nghiệp với quan điểm xác định đây là lĩnh vực có thể không mang lại thu nhập cao nhưng bền vững và thực sự có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tuy nhiên, nghịch lý đáng buồn là dù liên tục xuất siêu trong vòng hơn chục năm qua, song lĩnh vực nông nghiệp lại rất ít được các nhà đầu tư chào đón. Bằng chứng là trong vòng 5 năm qua, đầu tư ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 6% tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong khi ngành này chiếm tới 17% GDP. Số liệu lũy kế 5 năm qua cũng cho thấy, nông nghiệp chỉ “hút” được 7% tổng vốn ODA và 1,5% vốn FDI vào ngành.
Trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp của Công ty CP Thiên Thuận Tường, tỉnh Quảng Ninh. 	Ảnh: Quang Thiện
Trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp của Công ty CP Thiên Thuận Tường, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quang Thiện
Những con số khiêm tốn trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn là do cơ chế, chính sách hiện hành thiếu hấp dẫn. Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group, một DN hàng đầu trong xuất khẩu cà phê chia sẻ, đầu tư theo chiều sâu chưa được quan tâm, đa số sản phẩm cà phê xuất khẩu dưới dạng thô, chưa qua chế biến. Theo ông Nam, đầu tư cho nông nghiệp hiện nay rất khó vì đất đai manh mún, còn đất nông trường đã khoán hết cho nông dân nên DN tiếp cận cũng không dễ. “DN xuống địa phương, bàn với nông dân thì được nhưng chính quyền thì gây khó khăn, đòi phí nọ phí kia, cuối cùng không làm được” – ông Nam than phiền.

Đại diện nhiều DN và chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng bày tỏ về những khó khăn đang gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp, nhất là về cơ chế chính sách chưa thông thoáng, minh bạch. Báo cáo “Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016” của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước cho thấy, môi trường kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam ở dưới mức trung bình của các nước. Có tới 50% số DN được điều tra phàn nàn về thiếu đất, mặt bằng và 76% DN nông nghiệp cho rằng thủ tục phức tạp là trở ngại cho khả năng phát triển trong vòng 5 năm tới. TS Nguyễn Đình Cung ví von, DN tư nhân Việt Nam đang hội nhập theo kiểu đi trên chiếc cầu khỉ chênh vênh nhưng mang trên vai gánh nặng về chi phí và đằng sau là nhiều lực kéo cản lại nên không thể đi xa được.

Xây dựng doanh nghiệp đầu tàu

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, qua nghiên cứu và bắt tay vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2035 cho thấy, đầu tư cho nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn, mang lại triển vọng cho nền kinh tế. Đối với nền nông nghiệp hiện nay cần đẩy mạnh thương mại hóa và hiện đại hóa với phương châm “ít hơn để nhiều hơn”, tức là giảm bớt số hộ sản xuất nhưng tăng quy mô để nâng cao hiệu quả. Đồng thời giảm sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý Nhà nước để DN và nông dân chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam đang rất cần những DN tiên phong, dẫn đầu để đạt được cấp độ từ “tốt” lên “vĩ đại”.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải định vị rõ vị thế, vai trò của DN là dẫn dắt nông nghiệp phát triển, tiến tới xây dựng các thương hiệu quốc gia cho nông sản. Để làm được điều này, đồng thời thu hút được DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, việc quan trọng và cần thiết là phải rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho DN, hướng tới xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững.

Lắng nghe những ý kiến của các DN và chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã xác định DN đóng vai trò then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đất đai, vốn tín dụng, quản lý công nghệ…