70 năm giải phóng Thủ đô

Tìm tiếng nói chung để gắn kết yêu thương trong thế hệ trẻ

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chia sẻ, gắn kết yêu thương", đó là chủ đề của buổi nói chuyện ngoại khóa đối với học sinh lớp 10, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, nhằm đồng hành cùng các con trong tuổi mới lớn. Buổi nói chuyện đã thu hút trên 700 em học sinh.

Những khúc mắc tuổi mới lớn

Ở tuổi mới lớn, có nhiều khi ngại ngùng trước đám đông, nhiều em do mặc cảm về bản thân, gia đình,… khiến các em thiếu đi sự chia sẻ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Hơn nữa, sau gần 2 năm học online, nhiều học sinh lớp 10 khi đến học tập trung ở trường lớp thiếu đi sự gắn kết với bạn bè, thầy cô và cha mẹ.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên nói chuyện với trên 700 học sinh trường THPT Lên Quý Đôn, quận Hà Đông trong buổi học ngoại khóa tâm lý học đường.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên nói chuyện với trên 700 học sinh trường THPT Lên Quý Đôn, quận Hà Đông trong buổi học ngoại khóa tâm lý học đường.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết: “Trước tình trạng học online nhiều, khi có bài vở khó chưa được giải quyết khi các em ngại chia sẻ với bạn bè, thầy cô, dẫn đến tâm lý bị áp lực, Hội LHPN quận đã phối hợp Ban giám hiệu các trường THPT tổ chức chủ đề tư vấn tâm lý tuổi học đường. Với chủ đề tâm lý tuổi học đường "Chia sẻ, gắn kết yêu thương", Hội LHPN quận Hà Đông và nhà trường mong muốn đồng hành nắm bắt tâm lý, chia sẻ giải đáp những thắc mắc, suy nghĩ của các con, hướng tới sự yêu thương, thân thiện cùng phát triển”.

Nói về bạn bè khi đến lớp sau một thời gian dài phải học online, em Lê Thị Thu Anh chia sẻ: “Nhiều bạn ngại không nói ra những điều mình muốn nói, do đó, bố mẹ, hay thầy cô sẽ không hiểu được bạn đó cần gì, muốn gì. Bởi sự khác biệt giữa các thế hệ khiến nhiều bạn không dám thổ lộ tình cảm, cũng như nguyện vọng của mình với cha mẹ và thầy cô”.

Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết: "Trải qua một thời gian dài gần 2 năm dạy và học online, rất nhiều em có những trở ngại về giao tiếp. Bởi buổi khai giảng và học đầu tiên cũng là online, chỉ thấy cô và các bạn qua phương tiện công nghệ như: Zalo, Facebook. So với học sinh khóa trước, các học sinh lớp 10 năm nay có nhiều thiệt thòi.

Bởi các em ít được gặp nhau, ở lớp chia sẻ cùng nhau, kể cả những điều rất nhỏ như cho nhau mượn thước kẻ, hỏi bài, trao đổi cách giải bài tập khó. Điều đó, khiến sự gắn kết giữa các em ít hơn. Do đó, việc chia sẻ học tập, những tâm sự trong cuộc sống hàng ngày trở nên khó khăn, không như việc gặp trực tiếp thầy cô hàng ngày. Khi gặp trực tiếp, các con dám nói ra những tâm tư, nguyện vọng của mình hơn là nói qua điện thoại. Đây chính là lý do mà nhà trường tổ chức lần thứ hai buổi nói chuyện ngoại khóa về tâm lý học đường, mong gắn kết các em, thầy cô và cha mẹ”.

Trong buổi nói chuyện ngoại khóa với Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên - Trưởng khoa Triết, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện An sinh xã hội và phát triển Cộng đồng, cố vấn cấp cao Giáo dục kỹ năng sống, khá nhiều em học sinh lớp 10 tỏ ra ngại chia sẻ những vấn đề đơn giản nhất trong cuộc sống, cũng như việc học tập. 

Trong hơn 700 học sinh, nhưng chỉ có số ít học sinh mạnh dạn lên nói chuyện với chuyên gia.
Trong hơn 700 học sinh, nhưng chỉ có số ít học sinh mạnh dạn lên nói chuyện với chuyên gia.

Gắn kết yêu thương tìm đến hạnh phúc

Trong buổi nói chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên đã đưa ra khá nhiều câu chuyện cảm động trong thực tế về tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô với con cái và học sinh. Ngược lại, cũng có những câu chuyện nói về sự đền đáp công ơn đó của các em với các bậc sinh thành, người dày công vun đắp tương lai cho các em.

Cụ thể, câu chuyện một nữ công an ở Nghệ An bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, cố gắng giữ thai nhi để sinh ra con trong khi sức đã kiệt. Hay người cha ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), ngủ trong ống cống để làm thuê nuôi 4 con ăn học đại học. Những người con của ông đã nỗ lực không ngừng đều đỗ vào trường danh tiếng của Hà Nội và tốt nghiệp loại xuất sắc.

Em Lê Thị Thu Anh cho biết: “Sau khi nghe nói chuyện với chuyên gia, bản thân cũng như nhiều bạn sẽ mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ câu chuyện của mình với bạn bè, thầy cô, nhất là đối với bố mẹ. Bởi vì bố mẹ và các con là hai thế hệ nên có sở thích khác các con, suy nghĩ khác các con, sẽ không hiểu được con. Con cũng mong muốn, khi các con nói chuyện, bố mẹ nên lắng nghe, thấu hiểu con hơn. Chúng con cũng sẽ hiểu được sự cách biệt giữa các thế hệ để nói lên tiếng nói chung ở gia đình. Như vậy, gia đình sẽ có sự yêu thương hơn, cha mẹ và con cái hiểu nhau, có tiếng nói chung”.

Còn em Vũ Ánh Nguyệt chia sẻ: “Sau buổi nói chuyện ngoại khóa này cho con thêm nhiều kiến thức thực tế mà khi học chúng con chưa được tiếp cận. Bản thân con luôn được bố mẹ gần gũi, thấu hiểu, do đó, con thường có thói quen chia sẻ mọi việc với bố mẹ. Bố mẹ cũng lắng nghe và thấu hiểu con. Con rất hạnh phúc với gia đình của mình. Con là người thẳng tính, trước kia nói chuyện với bạn bè, có lúc làm bạn không hài lòng. Sau hôm nay, con cũng đã rút ra cách nói chuyện sao cho mềm mại hơn, để bạn bè hiểu mình hơn.”

Các học sinh chăm chú nghe Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên nói chuyện.
Các học sinh chăm chú nghe Tiến sĩ Nguyễn Duy Nhiên nói chuyện.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền - Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Đây là lần thứ hai nhà trường tổ chức buổi nói chuyện ngoại khóa, sau khi học sinh lớp 10 đi học trực tiếp trở lại. Trước đó, nhà trường tổ chức với nội dung “Xây dựng tình bạn đẹp và phòng chống bạo lực học đường”.

Việc chia sẻ, nói chuyện của chuyên gia tại các buổi ngoại khóa giúp cho các em học sinh có cách nhìn nhận vấn đề đúng. Ví dụ, biết chia sẻ với các bạn, thầy cô, cha mẹ những điều mình muốn nói. Sự chia sẻ với các bạn, thầy cô, cha mẹ, quan tâm đến bạn, người thân. Từ đó, các em biết yêu thương bố mẹ, bạn bè, thầy cô bằng những hành động thiết thực hàng ngày.

Buổi nói chuyện với chủ để "Chia sẻ, gắn kết yêu thương" để học sinh chia sẻ, giúp đỡ và biết quan tâm đến người khác. "Tôi nghĩ đây là một trong những điều kiện để các em phát triển, hoàn thiện bản thân, biết sống vì mình và vì mọi người. Cứ làm được những điều tưởng chừng giản dị, hằng ngày đó đã là một thành công của người làm công tác giáo dục, mở lối cho các em đi đến tình yêu thương và hạnh phúc dù ở nhà hay ở trường” - Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền nói.