Kinhtedothi - Với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu từ nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, Diễn đàn Bác Ngao châu Á (BFA 2016) tại thị trấn Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã khai mạc hôm 24/3 có chủ đề “Tương lai mới của châu Á: Động lực mới và Tầm nhìn mới”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn.
Đề cao tinh thần “cùng thắng”
Diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khả năng phục hồi yếu, BFA 2016 được xem là cơ hội để các bên thảo luận về những phương thức mới quản lý thể chế kinh tế và tài chính toàn cầu, tìm ra hướng phát triển mới cho khu vực cũng như thế giới, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò "đầu tàu" của châu Á trong thúc đẩy kinh tế thế giới tiến lên phía trước. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, châu Á hiện nay có tác động đến toàn thế giới hơn bao giờ hết xét theo tình hình liên kết ngày càng tăng. Ngược lại, châu Á cũng bị tác động bởi những diễn biến kinh tế toàn cầu nên phải có các ứng phó kịp thời.
Tại buổi khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thông báo tình hình cải cách toàn diện và điều chỉnh kết cấu kinh tế của Trung Quốc; trong đó đề cao tinh thần hợp tác “cùng thắng”; thúc đẩy các nước tăng cường kết nối kinh tế thông qua những liên kết kinh tế khu vực như các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy mạnh triển khai một số sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng như “Một con đường, một vành đai”, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)…
Tăng cường liên kết kinh tế khu vực
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá, châu Á đang đứng trước cả cơ hội và thách thức cần vượt qua để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Việc các nền kinh tế châu Á đang đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu kinh tế, lấy đổi mới và sáng tạo là động lực then chốt để phát triển bền vững là hướng đi phù hợp. Các nước châu Á cần tranh thủ tốt các động lực và không gian phát triển mới thông qua tăng cường các liên kết kinh tế khu vực như Cộng đồng ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của tăng cường hợp tác phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước. Việc xử lý các thách thức này vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của từng quốc gia cũng như toàn bộ khu vực.
Là một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn, Việt Nam nhiều lần tham dự Hội nghị thường niên ở cấp Chính phủ và có nhiều đóng góp cho các kỳ Hội nghị. Mục tiêu tham dự của Việt Nam lần này là tiếp tục nâng cao vai trò trong khu vực; tìm hiểu và trao đổi với các lãnh đạo trong khu vực để tìm hướng cải cách trong các vấn đề kinh tế, tài chính, giáo dục, môi trường và khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, đây là cơ hội quảng bá hình ảnh kinh tế Việt Nam năng động, đầy tiềm năng phát triển, đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ; đồng thời tranh thủ tiếp xúc rộng rãi với một số lãnh đạo các nước, báo chí quốc tế và cộng đồng DN nhằm thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.
Các lãnh đạo tham gia diễn đàn Bác Ngao 2016.
|