Bên cạnh vướng pháp lý thì thiếu vốn là khó khăn chính của thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản lo lắng nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ khiến hàng ngàn dự án không thể triển khai, tiếp tục đi vào ngõ cụt.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng), có hiệu lực từ ngày 1.9.2023, các doanh nghiệp lo ngại thông tư này có thể tạo ra rào cản khiến bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi vì cho rằng, thông tư đã dựng thêm “rào chắn” tiếp cận tín dụng so với trước đây (quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay), sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư không tiếp cận được tín dụng.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho rằng, Thông tư 06 chưa bám sát tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chưa chỉ rõ các đối tượng được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng. Trong khi đó, lại chỉ ra những đối tượng không được vay một cách chung chung, khiến cho các ngân hàng thương mại, nếu không có thiện chí cho vay sẽ dễ dàng từ chối hồ sơ của khách hàng bất động sản một cách “đúng quy định”.
Trong khi đó, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì sau khi Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1.9 tới đây, NHNN sẽ theo sát diễn biến của thị trường cũng như phản hồi của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề để xem xét. Lãnh đạo NHNN cho biết, cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng luôn an toàn, lành mạnh và không có những rủi ro phát sinh. Từ đó, đảm bảo Thông tư 06 đi vào cuộc sống và vận hành tốt, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Nói thêm về tín dụng bất động sản, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung. Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%), nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.
Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước, tháng 6.2022 là 1,53%, tháng 6.2023 là 2,47%.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.